admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO RÀ SOÁT các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam

CỤC QUẢN LÝ CẠNH TRANH – Bộ Công Thương

CHƯƠNG I:  RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VỀ  HÀNH VI THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH
PHẦN 1: KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH CÁC HÀNH VI THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH
1. Khái quát chung về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Quá trình cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực để đạt được lợi thế hơn so với các đối thủ. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với cạnh tranh, không ít các doanh nghiệp đã nhìn nhận cạnh tranh như một mối hiểm họa đối với khả năng thu lợi nhuận cũng như sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì nỗ lực điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp này đã chọn một con đường dễ dàng hơn là dàn xếp, thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường về giá cả, sản xuất, thị trường, khách hàng… nhằm duy trì thị phần và lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.

Hậu quả tất yếu của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sự độc quyền hóa thị trường, theo đó các vấn đề quan trọng của thị trường như giá cả, sản lượng, khách hàng… không còn tuân thủ theo quy luật thị trường mà bị khống chế bởi một nhóm các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Từ việc khống chế thị trường, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vì vậy, thường mang tính chất ―trục lợi‖ (exploitative) hoặc ―ngăn cản, loại bỏ‖ (exclusionary) cạnh tranh giữa các đối thủ cạnh tranh như Adam Smith đã phát hiện thấy trong cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia xuất bản năm 1776:

“…những người trong cùng một nghề thường hiếm khi gặp nhau, thậm chí để vui vẻ và giải trí, nhưng nếu có thì các cuộc nói chuyện giữa họ thường kết thúc với âm mưu chống lại công chúng, hoặc một số thủ đoạn để tăng giá”.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp đều nhất thiết nhằm mục đích hoặc có tác động làm phương hại cạnh tranh. Trong một số quốc gia, luật cạnh tranh có quy định miễn trừ cho một số thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp nếu các thỏa thuận đó có tác dụng làm tăng hiệu quả kinh tế, năng động hóa thị trường. Ví dụ, nhiều quốc gia cho phép các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D), nghiên cứu, phát triển các tiêu chuẩn thống nhất cho sản phẩm… để kích thích lợi thế kinh tế qui mô, thúc đẩy các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ… mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế.  Từ các đánh giá, nhìn nhận về tác động tiêu cực của các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của hầu khắp các nước trên thế giới đều có quy định điều chỉnh các hành vi thỏa thuận và đều coi pháp luật điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một trong ba cột trụ quan trọng của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, như đã đề cập trên đây, do không phải bất kỳ thỏa thuận nào giữa các doanh nghiệp cũng mang ý nghĩa tiêu cực nên việc phân định rõ các dạng thức thỏa thuận, đánh giá được bản chất, tác động của các hành vi thỏa thuận có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh ở các quốc gia.

1.1. Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Mặc dù không có một khái niệm chung, thống nhất giữa các quốc gia về ―thỏa thuận hạn chế cạnh tranh‖, tuy nhiên, từ thực tiễn thực thi pháp luật, có thể thấy cách hiểu, cách tiếp cận đối với ―thỏa thuận hạn chế cạnh tranh‖ ở các quốc gia có nhiều điểm tương đối đồng nhất.

Ở Châu Âu, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 101 (Điều 81 cũ) của Hiệp ước thành lập liên minh Châu Âu như sau: “Mọi thoả thuận giữa các doanh nghiệp, quyết định của hiệp hội các doanh nghiệp và mọi hành vi liên kết khác có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và có mục đích hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường của liên minh, đều bị coi là đi ngược lại với mục đích thành lập thị trường chung và bị cấm”.

Tại Nhật Bản, khoản 6, Điều 2, Luật Chống độc quyền quy định:  “Hạn chế thương mại bất hợp lý là các hoạt động kinh doanh mà thông qua đó bất kỳ doanh nghiệp nào bằng hợp đồng, thỏa thuận hay bất kỳ các hoạt động thông đồng khác, không phụ thuộc tên gọi, cùng hạn chế hay tiến hành các hoạt động kinh doanh của họ theo cách thức cố định giá, duy trì giá hay tăng giá, hoặc để giới hạn sản xuất, công nghệ, sản phẩm, cơ sở sản xuất hay khách hàng hoặc giao dịch của các đối tác, gây ra hạn chế đáng kể đối với cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại, đi ngược lại lợi ích chung”.  Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh hiện hành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được liệt vào nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh, theo đó là các hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Khác với pháp luật cạnh tranh của Châu Âu và Nhật Bản, Luật Cạnh tranh của Việt Nam không đưa ra khái niệm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà quy định cụ thể về 8 dạng thức (hành vi) thoả thuận, bao gồm các thỏa thuận như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, tiết chế sản lượng… quy định tại Điều 8, Luật Cạnh tranh. Như vậy, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cũng như của các quốc gia nêu trên đều không phân biệt hình thức thỏa thuận (công khai hay ngầm) và đều nhắm vào mục đích/hệ quả hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận. Tuy nhiên, từ các cách tiếp cận điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, có thể thấy rằng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành sử dụng cách tiếp cận đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hẹp hơn so với tiếp cận của Châu Âu và Nhật Bản, chí ít trên 2 phương diện:

Ở Việt Nam, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ bao hàm thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, không bao hàm các quyết định của Hiệp hội doanh nghiệp hay các hành vi liên kết khác như ở Châu Âu và Nhật Bản. Chính bởi cách tiếp cận này, Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã không xem xét vai trò của các hiệp hội trong các vụ việc liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Xuất phát từ cách tiếp cận liệt kê hành vi, ở Việt Nam, ngoài 8 dạng thỏa thuận được luật hóa tại Điều 8 của Luật, các hạn chế thương mại bất hợp lý khác hay các hành vi liên kết, thông đồng khác mặc dù có mục đích hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường nhưng nếu không thuộc 8 dạng thỏa thuận được liệt kê sẽ không bị coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và không bị xem xét.  Trong các phần sau, báo cáo sẽ phân tích kỹ lưỡng hơn các điểm tương đồng, dị biệt trong cách tiếp cận điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam và của một số nước khác, đánh giá các ưu, nhược điểm để từ đó có các khuyến nghị phù hợp.

ĐỌC TOÀN BỘ BÁO CÁO TẠI ĐÂY

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ: http://www.qlct.gov.vn/Modules/CMS/Upload/36/2012_10_15/VN%20-Bao%20cao.pdf

One Response

  1. cảm ơn đã chia sẻ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading