admin@phapluatdansu.edu.vn

Về tính khả thi trong thực tiễn áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

NGUYỄN THÀNH DUY

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, với dân số 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm 52% dân số. Còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường… Cư dân Gia Lai có thể chia làm hai bộ phận: bộ phận cư dân bản địa đã sinh sống ở Gia Lai từ lâu đời gồm dân tộc dân tộc Jrai và Bahnar, bộ phận cư dân mới đến bao gồm người Việt và các dân tộc ít người khác. Đến cuối năm 2006, Gia Lai có 23.770 người là đồng bào các dân tộc ít người không thuộc bộ phận các cư dân bản địa, chiếm 2,04% dân số toàn tỉnh (1).

Mặc dù Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có hiệu lực thi hành 12 năm, nhưng một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về chế độ hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cũng như các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được các cấp chính quyền quan tâm chú trọng nhưng với địa bàn rộng lớn, đại bộ phận người dân tộc ít người thường xuyên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí tương đối thấp, tập quán “du canh, du cư” vẫn tồn tại nên việc thi hành pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên thực tiễn vẫn là một “bài toán” hết sức nan giải. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong việc kết hôn, ly hôn, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con hoặc bất bình đẳng nam nữ trong quan hệ hôn nhân…Các hủ tục lạc hậu này đã cản trở hôn nhân tiến bộ và cản trở hiệu lực, tính khả thi của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ, quy định về việc áp dụng Luật hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số.

Một số người dân thuộc đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: trường hợp người mẹ mới sinh con mà chết sớm thì người con phải chết theo mẹ; con sinh ra mà không có cha thì bị giết chết hoặc một số trường hợp sinh đôi thì phải giết một trong hai người con sinh đôi…Các hủ tục lạc hậu này, đã đi ngược lại với các quy định nhân văn, tiến bộ của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Do vậy, nguyên tắc bảo vệ trẻ em được quy định tại Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không được một bộ phận người dân tôn trọng, thực hiện.

Người Jrai, Bahnar theo chế độ Mẫu hệ nên con gái được coi trọng hơn con trai. Quyền hành trong nhà đều do người bà, người mẹ quyết định. Con gái đến tuổi, muốn kết hôn thì phải đi “bắt chồng”. Vì vậy, các quy định về bình đẳng trong quan hệ vợ chồng hoặc quy định về không phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai, con gái – là những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (quy định tại Điều 2) cũng bị xâm phạm và không được áp dụng ở một bộ phận người dân.

Các quy định về điều kiện, thủ tục kết hôn, ly hôn cũng ít được thực thi hoặc không được người dân chấp hành đầy đủ. Một bộ phận người dân còn thực hiện việc kết hôn hoặc ly hôn theo phong tục, lệ làng nên nhiều trường hợp kết hôn mà không có đăng ký kết hôn hoặc khi ly hôn nhưng không giải quyết bằng việc khởi kiện ra Toà án. Ngoài ra, trong việc kết hôn người Jrai còn tồn tại tục “Khi người chồng chết, người vợ tiếp tục lấy anh hoặc em chồng nếu họ còn độc thân. Vợ chết, người chồng cũng được lấy em vợ dù là em còn bé”.

Trong việc kết hôn, người Jrai, Bahnar có phong tục không kết hôn với những người cùng dòng họ. Việc lấy họ là theo họ của người mẹ. Do đó, nhiều trường hợp mặc dù nam nữ không có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời nhưng vẫn bị cấm kết hôn với nhau. Tục lệ này đã cản trở chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Đây cũng là một trong những hạn chế về hiệu lực của các quy định về kết hôn tại Chương II của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Mặc dù, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật như Toà án, Viện kiểm sát thường xuyên thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng các hủ tục này đã tồn tại lâu đời trong bộ phận người đồng bào Jrai, Bahnar từ thế hệ này sang thế hệ khác nên hiệu quả chưa được như mong đợi. Chính vì vậy, nhiều chế định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 như: kết hôn, ly hôn, quan hệ giữa vợ chồng, quan hệ giữa cha, mẹ với con hay các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình chưa được tôn trọng và thực hiện hoặc không được áp dụng trong quan hệ hôn nhân và gia đình ở một số bộ phận người đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Để Luật hôn nhân và gia đình được thực thi có hiệu quả trong đời sống xã hội của bộ phận người dân tộc thiểu số, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp; đồng thời xoá bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần tổng kết, rút kinh nghiệm từ hiệu quả của việc thi hành pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần tiến hành rà soát thực tiễn thi hành Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ, quy định về việc áp dụng Luật hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số, để có cái nhìn toàn diện, sâu sát về những yếu tố đặc trưng của từng tộc người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, có phương hướng thể chế hoá hoặc sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình cũng như Nghị định số 32/2002/NĐ-CP linh hoạt và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, đời sống kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán và sự tác động trở lại của phong tục, tập quán trong thực tiễn thi hành pháp luật hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, để pháp luật về hôn nhân và gia đình dễ dàng đi vào cuộc sống của bộ phận người dân tộc thiểu số, song song với việc củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc bản địa, cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng chính ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số. Chú trọng, nhân rộng những cách thức, biện pháp làm hay có hiệu quả của một số địa phương đã làm như: biện pháp dùng phong tục, tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc để dần loại trừ, triệt tiêu các phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu trái với những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình, thể hiện cụ thể bằng sự tác động thông qua những người có địa vị cao là Già làng, Trưởng bản hoặc thông qua vai trò tối cao của người phụ nữ trong gia đình đối với những đồng bào dân tộc theo chế độ Mẫu hệ…

Điều 6 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy”. Có thể nhận thấy, việc áp dụng phong tục tập quán có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính khả thi của Luật hôn nhân và gia đình trên thực tiễn đối với bộ phận người dân tộc thiểu số. Việc duy trì, củng cố, phát triển phong tục tập quán tốt đẹp có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh mọi quan hệ về hôn nhân và gia đình đối với bộ phận người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm cho Luật hôn nhân và gia đình được thực thi có hiệu quả, dễ dàng đi vào đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, quy định này cần tiếp tục được khẳng định, kế thừa và phát triển trong thời gian tới khi sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

SOURCE: Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao (toaan.gov.vn)

Trích dẫn từ:

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=25662373&article_details=1

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading