admin@phapluatdansu.edu.vn

XÁC ĐỊNH SỞ HỮU TẦNG HẦM NHÀ CHUNG CƯ

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC – Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Việc tầng hầm của nhà chung cư là sở hữu chung hay riêng vẫn chưa thật rõ, nên đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp về sở hữu với tầng hầm.

1. Đòi hỏi chính đáng về quyền sở hữu tầng hầm:

Vấn đề tranh chấp nhức nhối nhất liên quan đến chung cư là tranh chấp về quyền sở hữu tầng hầm nhà chung cư. Không bàn đến tầng hầm khác, mà chỉ nói về tầng hầm để xe. Về nguyên tắc tối thiểu, nhà ở phải có chỗ để xe. Nhà chung cư, nhất với căn hộ hàng trăm mét vuông, thì không thể thiếu những phần diện tích thuộc về công năng tối thiểu như tầng hầm làm chỗ để xe. Vậy tầng hầm thuộc sở hữu chung của người mua căn hộ hay của chủ đầu tư thì mới hợp lý?

Nếu chủ đầu tư cho thuê nhà, thì đương nhiên tầng hầm để xe thuộc sở hữu của họ. Còn nếu chủ đầu tư bán nhà, thì tầng hầm để xe phải thuộc sở hữu của người mua. Chủ đầu tư nào bán căn hộ nhưng vẫn cố tình giữ lại quyền sở hữu tầng hầm để xe cho mình, thì không khác nào muốn giữ lại sở hữu lối đi, hành lang, cầu thang đi vào căn hộ.

Ở nhà chung cư, thì kiểu gì cũng phải trả chi phí cho việc trông xe. Ai đứng ra trông xe không quan trọng. Khác nhau cơ bản ở chỗ, khoản thu từ việc giữ xe ấy vào túi nhà đầu tư hay quay trở lại bù đắp cho chi phí vận hành chung cư. Nếu thuộc trường hợp thứ 2 thì giá cả trông xe không thật sự quan trọng, vì tiền chỉ từ túi nọ sang túi kia của chính người dân trong chung cư.

Về phía người mua nhà, không có ai muốn mua căn hộ lại không kèm theo quyền sở hữu tầng hầm để xe.

Về phía chủ đầu tư, không có chủ đầu tư bình thường nào lại bỏ vốn đầu tư rất lớn vào tầng hầm để nuôi hy vọng thu hồi vốn sau vài chục năm bằng việc nhặt nhạnh từng đồng tiền trông giữ xe. Lẽ thường, chủ đầu tư phải phân bổ toàn bộ chi phí xây dựng chung cư, trong đó có phần tầng hầm để xe vào diện tích căn hộ. Bán hết (hoặc gần hết) phần diện tích nhà, thì không có lý do gì để giữ lại tầng hầm, là một phần công năng, tiện ích không thể thiếu, buộc phải kèm theo để phục vụ mục đích của người mua căn hộ chung cư. Nếu chủ đầu tư cứ cố tình giành quyền sở hữu tầng hầm cho riêng mình, thì đó là một sự gian lận, lừa dối khách hàng, vi phạm cả pháp luật và đạo lý.

2. Từ quy định đúng đắn của Luật:

Khoản 1, Điều 225 về “Sở hữu chung trong nhà chung cư” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự thoả thuận của tất cả các chủ sở hữu.” (tương tự với quy định trước đây tại khoản 1, Điều 239 của Bộ luật Dân sự năm 1995).

Khoản 3, Điều 70 về “Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư” của Luật Nhà ở năm 2006 quy định:

3. Phần sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm:

a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào;

c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.”

Đoạn 2, điểm b, khoản 3, Điều 22 về “Nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng” của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 quy định: “Trường hợp bán căn hộ chung cư hoặc một phần nhà chung cư thì phải gắn với quyền sử dụng đất, các phần sử dụng chung và các trang bị, thiết bị trong nhà thuộc sở hữu chung.”

Nếu theo đúng các quy định nói trên của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, thì tầng hầm của nhà chung cư dùng làm “nơi để xe”, là phần diện tích dùng chung, mặc nhiên là sở hữu chung, chứ không thể là sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Đáng tiếc là các cơ quan chức năng không khẳng định rõ điều này để bảo vệ quyền lợi của những hộ sở hữu căn hộ chung cư. Tại Công văn số 1839/BXD-QLN ngày 01-9-2009, Bộ Xây dựng đã cho rằng, tầng hầm trong nhà chung cư The Manor Hà Nội thuộc sở hữu riêng của Bitexco, mặc dù không có một căn cứ rõ ràng nào có thể phủ nhận các quy định của pháp luật nói trên.

3. Đến quy định mập mờ của Nghị định:

Điểm c, khoản 2, Điều 49 về “Phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu” của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định: “Nơi để xe (xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh) được xây dựng theo quy chuẩn xây dựng và có thể bố trí tại tầng hầm hoặc tại tầng một hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư. Đối với khu vực để xe ô tô thì phải xây dựng theo quy chuẩn xây dựng nhưng do chủ đầu tư quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư…”.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 70 của Luật Nhà ở và điểm c, khoản 2, Điều 49 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP nói trên, nếu “nơi để xe” là tầng hầm, thì tầng hầm phải được coi là sở hữu chung.

Tuy nhiên, về chỗ để xe ô tô, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định “do chủ đầu tư quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư” là đã có phần mập mờ theo hướng trái với quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở.

Khoản 3, Điều 49 về “Phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu” của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP còn quy định: “Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung nhà chung cư quy định tại Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.”

Như vậy, quy định này của Nghị định đã né tránh việc làm rõ quyền sở hữu chung – riêng tầng hầm trong nhà chung cư bằng việc đẩy cho các bên quyết định. Đối với những trường hợp đã ký hợp đồng mua bán trước khi có Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, vì không ghi nhận nội dung này, nên sẽ tiếp tục bế tắc về đỏi hỏi quyền sở hữu. Ngay cả đối với các hợp đồng mua bán sau đó cũng vẫn không dễ dàng xác định. Thử hỏi, một chung cư có 100 căn hộ, với 100 hợp đồng mua bán, trong đó 30 hợp đồng ghi nhận là sở hữu riêng, 70 hợp đồng thoả thuận là sở hữu chung, thì có hợp lý hay không? Và nếu xảy ra như thế, thì khi ấy tầng hầm là của sở hữu chung của dân cư hay sở hữu riêng của chủ đầu tư? Giải quyết vấn đề sở hữu này bằng tự do thoả thuận là không hợp lý, là vô trách nhiệm với người mua chung cư là bên yếu thế cần được bảo vệ, là đẩy người dân vào chỗ rối ren, nguy hiểm và bế tắc.

Nếu cứ phó mặc cho việc “tôn trọng” sự thoả thuận dân sự, thì các chủ đầu tư có thể thoả thuận với người mua căn hộ rằng, cầu thang cũng thuộc sở hữu của chủ đầu tư, người mua nhà muốn lên nhà thì phải bỏ tiền ra thuê lối đi (?!)

Đây là một vấn đề phải được giải quyết chung và về nguyên tắc phải thuộc sở hữu chung, mà từng người mua căn hộ không thể đòi hỏi riêng cho mình được. Chính vì vậy, Hợp đồng “mua căn hộ chung cư” được đưa vào thuộc 1 trong số 9 loại hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung).

4. Kiến nghị?

Phải sửa đổi, huỷ bỏ ngay lập tức quy định không rõ ràng, không hợp lý tại khoản 2 và khoản 3, Điều 49 về “Phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu”, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Cần ban hành các văn bản quy định và giải thích thật rõ ràng, hợp lý khẳng định: Tầng hầm (để xe) phải thuộc sở hữu chung. Chỉ trong trường hợp có thoả thuận khác, thì mới thực hiện theo thoả thuận. Thậm chí đúng đắn nhất phải là không chấp nhận sự thoả thuận khác.

Pháp luật, trong trường hợp này, phải bảo vệ người mua nhà, là những người tiêu dùng, những chủ sở hữu thực sự của chung cư.

Trân trọng tham gia!

——————————————-

Địa chỉ liên hệ:

Luật sư Trương Thanh Đức

Maritime Bank, 88, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội

ĐT: 090.345.9070 – E-mail: truongthanhduc@yahoo.com

SOURCE: Hội thảo Giải pháp về các tranh chấp liên quan đến chung cư,  Hà Nội tháng 3/2011

VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

TRA CỨU CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

7 Responses

  1. Chỉ cần qui định phần diện tích để xe bắt buộc không đổi công năng sử dụng cho việc khác và khung giá giữ xe bắt buộc thấp hơn hoặc bằng qui định của Nhà nước là được. Vì khi đó người sử dụng không phải lo đến vấn đề chỗ và giá để xe đồng thời nếu chủ đầu tư muốn sở hữu thì không hạch toán vào giá bán nhà -> không tăng giá bán, hoặc chí ít nhà nước sẽ tăng được phần thuế vì không đưa vào chi phí.

  2. luật, nghị định, thông tư cái nào cao hơn thì áp dụng cái đấy (cái này chỉ nói về phần lý luận thôi) chứ trên thực tế tình hình áp dụng luật của Việt Nam theo nguyên tắc Riêng – Chung, cho nên chắc chắn nghị định 71 vẫn có hiệu lực. Điều bất cập của pháp luật nước ta hiện nay là chưa có Tòa bảo hiến nên những văn bản dưới luật ban hành những quy định trái với hiến pháp, trái với Luật thì vẫn ko bị thổi còi. Vì thế mà những người dung chung cư ở Việt Nam đành chờ những cuộc cải cách tư pháp các lần sau nhé

    • Chẳng phải mỗi năm Nhà nước PHẢI rà soát các NĐ, TT rồi truyên bố ngưng thi hành, hoặc ban hành NĐ và bãi bỏ NĐ trước là gì. Bạn có biết NĐ 90/2006/ NĐ-CP ngày 06/9/2006 ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, sở hữu nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở ngày 29/11/2005 không? Điều gì BẤT HỢP LÝ trong NĐ 90/2006 mà Nhà nước ĐÃ PHẢI thay bằng NĐ 71/2010 ? Riêng tôi, do kiến thức hạn hẹp nên chỉ mới thấy có 1 Điều tại : Điều 54.2b là rất lạ, vì không sao thực hiện được.
      Chúng tôi sẽ đóng phí bảo trì phần sở hữu chung là 70%/DT căn hộ, còn 30% là ngân sách địa phương hỗ trợ cho các chủ sở hữu để thực hiện việc bảo trì.
      + Điều 54.2b của NĐ 90/2006 áp dụng cho đối tượng nào?
      – Căn hộ chung cư thương mại?
      – Căn hộ chung cư tái định cư?
      – Căn hộ chung cư xã hội?
      + Có mâu thuẫn không, khi Điều 54.1a người mua căn hộ phải đóng 2% tiền quỹ bảo trì cho CĐT.
      Phải chăng do mâu thuẫn này (chỉ đơn giản mới có 1 vấn đề thôi), mà NĐ 92006 PHẢI ĐƯỢC THAY THẾ bằng NĐ 71/2010.
      Nhưng rồi NĐ 71/2010 lại tạo thang sắt cho CĐT (mà vốn dĩ CĐT nào cũng muốn dang tay ôm cả bầu trời, vơ vét không xong thì buông ra).
      Vấn đề sở hữu trong chung cư, phí quản lý, quỹ bảo trì là đề tài nóng bỏng của xã hội hiện nay, sẽ không lắng khi Chính phủ chưa thật sự quan tâm.
      Chính phủ muốn cải cách, sửa đổi, làm bộc lộ vấn đề, thì phải là người ở trong căn hộ chung cư mới nhận biết CĐT áp bức cư dân như thế nào và ra sao.
      Bộ XD, Sở XD, UBND Tp chưa thật sự NẮM ĐƯỢC vấn đề, thì làm sao tham mưu Chính phủ. Tôi dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu về chung cư và có nhận xét cá nhân: Chính phủ còn rất chung chung, chậm trễ, thiếu quan tâm đối với người dân mua căn hộ chung cư, mà xu hướng ở căn hộ chung cư thì phát triển không ngừng.
      Tuy nhiên, vẫn hy vọng, mong chờ các Luật sự có tiếng nói nhất định.
      Xin cám ơn những LS đã có những bài viết mà chúng tôi đọc cảm thấy như có sự chia sẻ.
      Trân trọng
      Đặng Vũ Ngọc Yến

      • …vẫn hy vọng, mong chờ các Luật sự có tiếng nói nhất định…
        …LS đã có những bài viết mà chúng tôi đọc cảm thấy như có sự chia sẻ…
        HiHi, Luật là Luật hay Luật không phải là Luật??? Văn bản và Thực hành không đồng bộ? Thật tình không hiểu vai trò của LUẬT SƯ trong hướng dẫn, tham khảo, hay chỉ là chia xẻ để Dân được… ấm lòng?

  3. Cảm ơn tác giả về bài viết. Tôi cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này như sau:
    Hầm để xe ở khu chung cư thuộc sở hữu chung của các hộ dân hay vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì phụ thuộc vào hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Nếu trong hợp đồng có ghi rõ diện tích mua bán gồm cả diện tích gửi xe thì đó là thuộc sở hữu người mua, còn không thì vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư (theo tinh thần NĐ 71/2010/NĐ-CP mà tác giả bài viết đã đề cập). Ta xét quyền sở hữu khu hầm để xe thuộc về ai? Rõ ràng thuộc về chủ đầu tư bởi chính họ mới là người bỏ vốn ra đầu tư xây dựng, quyền sở hữu thuộc về họ. Khi có quyền sở hữu thì họ có quyền định đoạt diện tích hầm để xe đó. Và liệu họ có chuyển giao quyền này cho những hộ gia đình hay không hay vẫn giữ lại cho mình thì lại phải dựa vào hợp đồng bán nhà. Do vậy mà tôi nói phụ thuộc vào hợp đồng mua bán nhà là vì thế. Nếu trong hợp đồng chỉ vẽ căn nhà, số mét vuông, vị trí, tổng tiền mà không tính diện tích tầm hầm gửi xe thì rõ ràng chủ đầu tư không tính giá gửi xe vào hợp đồng. Chủ đầu tư giữ quyền sở hữu của mình đối với tầng hầm để xe. Các hộ gia đình có quyền gửi xe nhưng họ phải trả tiền.

    • Bài viết của LS Trương Thanh Đức rất Luật, rõ ràng, xin cảm ơn vì những phân tích để người mua chung cư, CĐT (đối với CĐT nào có ý định biến tài sản chung thành tài sản riêng), các cơ quan ban hành NĐ, TT. Bất cứ tài sản nào và bất cứ ai cho rằng tài sản đó là của mình, thì phải chứng minh bằng: -Giấy chứng nhận quyền sở hữu (ở đây nói về DT tầng hầm/hoặc DT nơi giữ xe trong chung cư)-Quyết toán hoàn công công trình (để xem chi phí xây dựng tầng hầm/nơi để xe có phải là tiền của CĐT không). Giấy phép xây dựng (trong đó có chi tiết), ….
      Còn như bài viết của chị Hiền, ai đọc cũng hiểu được chị là ai, đại diện cho ai-CĐT thôi, quá rõ? Thưa chị, chị không phải là người mua căn hộ chung cư, nên không hiểu và cũng không thấy được những bức xúc, những khốn khổ khi cái gì trong chung cư cũng thuộc về CĐT, chỗ nào họ cũng nói là của họ, nhưng lại không trưng ra được một mảnh giấy nào, dù là mảnh giấy nhỏ xíu, chỉ nói miệng thôi.
      Như chị nói là căn cứ trên hợp đồng, thì CĐT ghi làm sao người mua phải chịu vậy, không được có ý kiến. Thưa chị, chị ở miền Nam hay miền Bắc nước VN, chị ở chỗ nào của nước VN? Nếu chị ở Tp.HCM, xin chị liên hệ với tôi, tôi sẽ giới thiệu với chị những CĐT tuyên bố hùng hồn: diện tích chỗ này,diện tích chỗ kia của họ, nhưng rồi BQT yêu cầu trưng Giấy CN QSH (do Sở TN-MT cấp) kèm hồ sơ quyết toán hoàn thành công trình (quyết toán với Sở Tài chánh Tp) thì CĐT xin 03 tháng và hai lần 03 tháng (BQT gia hạn thêm 03 tháng) như vậy thì CĐT thương lượng bàn giao 50/50%, BQT cương quyết không chấp nhận, sau đó là ngoan ngoãn bàn giao 100% điện tích mà trước đó CĐT hùng hồn tuyên bố và kèm thách thức BQT thưa kiện (nhưng BQT chưa thưa kiện, chỉ đưa yêu cầu CĐT chứng minh Giấy tờ sở hữu thôi).
      Chị Hiền cần vào các web chung cư của VN, thị sẽ dễ dàng nhận thấy đa số CĐT nào cũng giống nhau rất nhiều điểm: thu tiền 95-100% (mua ngân hàng đóng đủ-mặc dù chưa có Giấy hồng căn hộ) để giao căn hộ, sau đó bỏ mặc, chung cư xuống cấp, BQL thao túng làm mưa làm gió, phí dv tăng vùn vùn mà không cần phải họp người sử dụng căn hộ hay nói đúng là người sử dụng dịch vụ (trong khi chủ căn hộ là người mua dịch vụ), thu tiền phí bảo trì, tùy tiện sử dụng vô tại vạ; khi BQT được thành lập phải giao quỹ này thì trong quỹ không còn tiền để giao, hoặc chỉ còn rất ít. Đối với CĐT là Cty cổ phần thì nỗi khổ cấp số nhân: sau khi thu tiền xong, chia chác (vì là cty cổ phần) tan tác mỗi người mỗi nơi, cty chỉ còn lại 1-2 người, những người này không chịu trách nhiệm gì về việc cấp Giấy hồng căn hộ, vì CĐT chưa thực hiện nghĩa vụ Thuế với Nhà nước thì làm sao CĐT có Giấy CN sở hữu tòa nàh chung cư, mà chưa có Giấy này thì làm sao ra được Giấy căn hộ.
      Chị có thấy bất công, nhẫn tâm khi CĐT đối với khách hàng mua sản phẩm của họ mà khi chào mời thì họ xem khách hàng là thượng đế, bán xong căn hộ khách hàng cứ tìm kiếm họ để mong họ giữ lời hứa đưa Giấy sở hữu căn hộ cho người mua, nhưng thật thất vọng.
      Nếu chị đọc và hồ nghị về nội dung này, chị liên hệ với tôi, tôi sẽ cung cấp cho chị những BQT (vác tù và hàng tông) tại các chung cư trong Tp.HCM đã kiên định, cương quyết không khoan nhượng việc đấu tranh căn cứ trên các NĐ, TT, QĐ của các cơ quan các cấp để minh chứng cho việc giành lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho cư dân.
      Thưa chị, hợp đồng mua bán căn hộ chỉ duy nhất do CĐT tự soạn, người mua không được quyền tahm gia, vậy CĐT họ muốn gì đã thể hiện trong nội dung hợp đồng. Tôi biết có rất nhiều những vị đang là đại biểu Quốc hội đang mua và ở trong các căn hộ chung cư, họ cũng đặt bút ký HĐ, có nhiểu luật sự cũng mua căn hộ chung cư, cũng ký hợp đồng (đây là việc mà bất cứ ai cũng hiểu và vì người mua tin vào pháp luật, pháp luật sẽ điều chỉnh những nội dung sai trái), tuy nhiên như LS Thanh Đức đã viết thì: người soạn NĐ 71/2010 cũng còn mơ hồ, chưa thực tế, nên NĐ này cần sự quan tâm góp ý của nhiều luật sư, những người soát xét lợi ích của đôi bên và có tiếng nói công bằng xã hội. Sạn trong NĐ cũng dễ hiểu thôi, đây là năng lực, tư duy mà theo tôi là chưa đạt tiêu chuẩn tham mưu cho các Bộ, cần xem xét đánh giá năng lực, nếu không các cơ quan nhà nước cấp dưới khốn khổ vì sự tranh chấp càng ngày càng bùng nổ.
      Khi muốn nói điều gì hãy đặt mình vào sự việc đó, tất sẽ sáng lên vấn đề ngay . Đó là tư duy, mà con người thì cần tư duy hơn tất cả.
      Dù sao tôi vẫn cứ mong chị Hiền, LS Thanh Đức gửi mail để tôi được làm quen, cùng nhau trao đổi, tôi thích khía cạnh xã hội.
      Trân trọng
      Đặng Vũ Ngọc Yến – ngocyendangvu@yahoo.com

    • Cảm ơn bài viết .
      Căn hộ chung cư nào cũng cần có phần chung và riêng được thể hiện cụ thể trên hợp đồng mua bán. Theo tôi, tốt nhứt là nên có thêm phần kho- chỉ khoảng 2m vuông-ở tầng hầm cho mỗi căn hộ và được cộng vào giá bán để mỗi chủ căn hộ tùy nghi sử dụng. Lối đi và các phần tiện ích chung cần được ghi rõ trong thỏa thuận về công năng sử dụng cũng như phần chi phí vệ sinh…
      Văn hóa chung cư hình như chưa thành thói quen với người Việt mình ?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading