admin@phapluatdansu.edu.vn

CHẾ ĐỊNH BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM

THS. TRẦN ANH TUẤN – Giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự – Đại học Luật Hà Nội

Trong công cuộc cải cách tư pháp và thủ tục tố tụng hiện nay, việc xây dựng thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật tố tụng dân sự, phải đáp ứng được hai đòi hỏi cơ bản của thực tiễn giải quyết tranh chấp là tính nhanh chóng và sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Chế định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được xây dựng tại Chương thứ 8 Dự thảo 11 Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (BLTTDSVN), bao gồm 28 điều luật (từ điều 98-125). Tuy nhiên các quy định tại Dự thảo này cũng đặt ra nhiều vấn đề mà chúng ta cần giải quyết:

1. Về phạm vi áp dụng

– Điểm tiến bộ của Dự thảo 11 BLTTDS Việt Nam là đã mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể là thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng trước khi khởi kiện vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (K2 Điều 98 DTBLTTDSVN ). Tuy nhiên nếu so sánh với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) Pháp 1807 thì có hạn chế là các quy định này chỉ áp dụng đối với những yêu cầu khẩn cấp nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ kiện chính, ngược lại theo BLTTDS Pháp 1807 thủ tục xét xử cấp thẩm cũng có thể áp dụng một cách độc lập mà không phụ thuộc vào vụ kiện chính. Hiện nay các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong DTBLTTDSVN thì hầu hết là những biện pháp nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án trong vụ kiện chính. Tuy nhiên Khoản12, Khoản13 Điều 101 Dự thảo cho phép Thẩm phán “ Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định” và áp dụng “ Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định”. Chúng tôi cho rằng để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, trên cơ sở các quy định này các nhà lập pháp Việt Nam có thể phát triển, bổ sung theo hướng cho phép Thẩm phán trong trường hợp khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của đương sự ngay cả khi giữa các đương sự không có tranh chấp về vụ kiện chính hoặc có tranh chấp về vụ kiện chính nhưng các bên không có yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp này.

Trong thực tiễn tố tụng của Việt Nam cũng xuất hiện không ít những trường hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hoặc tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra đương sự chỉ yêu cầu Toà án áp dụng ngay lập tức các biện pháp cần thiết mà không khởi kiện về vụ kiện chính bởi giữa họ không có tranh chấp nào khác hoặc có tranh chấp về vụ kiện chính nhưng sau khi Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp các bên đã tự giải quyết được.Chẳng hạn:

– Yêu cầu tạm thời mở rạp hát để công diễn trong trường hợp có sự tranh chấp giữa chủ rạp và người tổ chức;

– Chủ sở hữu căn nhà yêu cầu Toà án ra quyết định buộc bị đơn phải tháo gỡ một biển quảng cáo được gắn vào nhà mình một cách bất hợp pháp;

– Yêu cầu cưỡng chế người thuê nhà ra khỏi ngôi nhà đã xuống cấp có nguy cơ bị sụp đổ, buộc người thuê nhà phải chấm dứt hành vi xây dựng trái phép khi không có sự đồng ý của chủ nhà;

– Yêu cầu Toà án ra quyết định cấm phát hành các ấn phẩm xâm phạm đến đời tư của cá nhân;

– Yêu cầu buộc chủ sở hữu bất động sản liền kề tạm thời cho mở đường thoát nước;

– Yêu cầu buộc chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ phải chặt cây, phá dỡ;

– Yêu cầu buộc những người đình công chiếm giữ công sở phải giải tán;

– Yêu cầu trục xuất những người chiếm hữu nhà một cách rõ ràng bất hợp pháp …

Đối với những loại việc nêu trên nếu giải quyết theo thủ tục xét xử sơ thẩm thông thường là không phù hợp vì bản chất của loại việc đòi hỏi phải giải quyết khẩn cấp. Mặt khác cũng không thể coi đây là loại việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo cho vụ kiện chính. Thiết nghĩ đối với những loại việc này cần phải xây dựng một thủ tục tố tụng riêng cho phù hợp.

Theo Khoản 1 Điểm a Điều 120 Dự thảo, nếu biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án mà hết thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Toà án ra quyết định áp dụng người yêu cầu đã không khởi kiện vụ án tại Toà án thì biện pháp khẩn cấp tạm thời này bị huỷ bỏ. Quy định này rõ ràng đã hạn chế phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng cách buộc người yêu cầu phải khởi kiện vụ kiện chính và như vậy không thể đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay. Từ những lập luận trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 98 Dự thảo như sau:

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến đời sống, hoạt động kinh doanh hoặc bảo đảm việc thi hành án, thì cá nhân, tổ chức có liên quan có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tương ứng quy định tại Điều 101 của Bộ luật này trước khi khởi kiện vụ án tại Toà án. Các đương sự cũng có quyền yêu cầu Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp độc lập với vụ tranh chấp.

Nếu như chấp nhận việc sửa đổi Khoản 2 Điều 98 Dự thảo theo hướng các đương sự có quyền yêu cầu Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp độc lập với vụ kiện chính thì một vấn đề đặt ra mà chúng ta cần phải xem xét là phải xây dựng một cơ chế để người bị áp dụng các biện pháp này có thể tự bảo vệ mình, tránh những bất lợi do việc áp dụng không đúng các biện pháp khẩn cấp gây phương hại cho lợi ích chính đáng của họ.

Theo chúng tôi, các quy định về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo các Điều 123, Điều 124 Dự thảo 11 BLTTDSVN là phù hợp với các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án đối với vụ kiện chính. Tuy nhiên, các quy định này sẽ không hợp lý khi áp dụng đối với các quyết định khẩn cấp tạm thời được áp dụng một cách độc lập mà các bên không khởi kiện vụ kiện chính. Do vậy cần thiết phải bổ sung quy định về quyền kháng cáo của các đương sự đối với các quyết định khẩn cấp tạm thời được áp dụng độc lập và cơ chế để giải quyết các quyết định này ở Toà án cấp phúc thẩm. Thiết nghĩ bản chất của loại việc là khẩn cấp do vậy cần phải có những quy định mềm dẻo,linh hoạt hơn so với các quy định về việc giải quyết kháng cáo đối với các bản án sơ thẩm xử về nội dung của vụ tranh chấp. Theo chúng tôi có thể vận dụng các quy định về thủ tục phúc thẩm các quyết định của Toà án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo Điều 282 DTBLTTDSVN đối với loại quyết định khẩn cấp tạm thời này. Rất tiếc rằng, Dự thảo 11 BLTTDSVN không có sự phân biệt về thời hạn giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án sơ thẩm và các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị như trong các Pháp lệnh về thủ tục tố tụng trước đó. Việc quy định một thời hạn chung cho việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm như Điều 260 Dự thảo 11 BLTTDSVN là không phù hợp với bản chất của từng loại việc. Theo chúng tôi cần sửa đổi bổ sung Điều 260 Dự thảo theo hướng việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm sẽ được tiến hành trong một thời hạn tối đa là 1 tháng kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm thụ lý vụ việc .

– Khoản 13 Điều 101 quy định Toà án có quyền áp dụng “các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định”. Đây là một quy định mềm dẻo nhằm tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền sẽ ra những văn bản hướng dẫn áp dụng đối với những loại việc mới phát sinh. Song một vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết là nếu trong trường hợp Toà án đang giải quyết vụ án mà thấy rằng cần phải áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thi hành án nhưng pháp luật chưa có quy định về loại biện pháp này thì Toà án có thể ra quyết định áp dụng hay không? Do vậy chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 13 Điều 101 Dự thảo theo hướng sau đây:

Toà án có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định. Để đảm bảo việc xét xử và thi hành án, nếu xét thấy cần thiết phải áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp mà pháp luật chưa có quy định về biện pháp này thì Toà án có quyền áp dụng nếu không trái với các quy định của Bộ luật này

– Về quy định tại Khoản 1 Điều 101 và Điều 102 Dự thảo:

Hiện nay theo Khoản 1 Điều 101 và Điều 102 chỉ đề cập tới các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng với những người chưa thành niên mà không đề cập tới biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Để đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn giải quyết tranh chấp, chúng tôi cho rằng cần thiết phải mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với cả người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Từ những nhận định trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 101 và Điều 102 Dự thảo theo hướng sau đây:

Giao người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến họ mà chưa có người giám hộ.

– Về quy định tại Điều 108 và Điều 110 Dự thảo:

Hiện tại theo quy định tại Điều 108 Toà án có thể áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch nếu tài sản đang tranh chấp là bất động sản hoặc các tài sản phải đăng ký tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Người đang giữ tài sản bị cấm chuyển dịch có thể được tiếp tục giữ những tài sản này. Tuy nhiên, Dự thảo BLTTDSVN hiện nay lại thiếu vắng các quy định về việc khai thác công dụng của tài sản bị cấm chuyển dịch và quản lý các lợi ích thu được từ việc khai thác tài sản này đem lại. Đây là một lỗ hổng của pháp luật mà người đang chiếm giữ tài sản có thể lợi dụng để thu lợi gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người có yêu cầu. Chẳng hạn trong trường hợp các bên có tranh chấp về quyền sở hữu một căn nhà đang cho thuê hoặc một khách sạn, nhà nghỉ đang được khai thác, sử dụng… Có thể thấy rằng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp là nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án nhưng không thể không tính đến việc khai thác lợi ích của tài sản và đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên. Từ những lập luận trên chúng tôi kiến nghị bổ sung vào Dự thảo BLTTDSVN một quy định sau đây:

Trong trường hợp cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, tuỳ trường hợp Toà án có thể quyết định giao tài sản đó cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý và tiếp tục khai thác lợi ích của tài sản. Khoản tiền thu được từ việc khai thác tài sản ấy sau khi đã trừ đi các chi phí cần thiết, người được giao quản lý, khai thác lợi ích của tài sản phải giao nộp cho Toà án. Toà án sẽ gửi số tiền này vào một tài khoản phong toả tại Ngân hàng cho đến khi có quyết định mới của Toà án.

2. Về các quy định liên quan đến tính khẩn cấp của các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tính khẩn cấp của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong nhiều trường hợp đòi hỏi Toà án phải áp dụng ngay lập tức các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên nhiều quy định trong Dự thảo hiện nay đã không đáp ứng được đòi hỏi về tính khẩn cấp của các biện pháp cần áp dụng và việc vận dụng trong thực tế trong nhiều trường hợp là quá muộn, tiềm ẩn một nguy cơ gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của đương sự:

– Theo Khoản 2 Điều 116 Dự thảo nếu yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án thì Thẩm phán phải xem xét để quyết định áp dụng trong thời hạn tối đa là 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu. Theo chúng tôi quy định này là không phù hợp, nhất là đối với những yêu cầu áp dụng biện pháp phong toả tài khoản tại Ngân hàng (Điều 111), phong toả tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 112), phong toả tài sản của người có nghĩa vụ (Điều 113) hoặc kê biên tài sản đang tranh chấp (Điều 107). Việc chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp này dù chỉ là trong một thời gian hết sức ngắn cũng đủ để bên bị yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời “làm động tác”rút toàn bộ tiền từ tài khoản hoặc tẩu tán tài sản. Với những nhận định trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 116 Dự thảo theo hướng:

Trong trường hợp cấp bách kể cả ngày lễ, ngày nghỉ đương sự có thể yêu cầu Toà án áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp cần thiết. Nếu xét thấy yêu cầu của đương sự là thật sự cấp bách Thẩm phán có thể ngay lập tức quyết định các biện pháp cần thiết.

Tuy nhiên để thực hiện được điều này không thể không tính đến tính thực tế của nó vì đôi khi phải thay đổi cả một lề lối làm việc. Do vậy nếu như bổ sung quy định này vào Dự thảo thì trong thực tiễn chúng ta phải xây dựng được một cơ chế đảm bảo. Có nghĩa là phải có những Thẩm phán trực vào các ngày nghỉ, ngày lễ.

– Hiện nay theo quy định tại các Điều 107, 108, 109 Dự thảo thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng đang tranh chấp, chỉ được áp dụng khi người bị yêu cầu áp dụng đã “…có hành vi tẩu tán tài sản”, “… có hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản” hoặc “…có hành vi tháo gỡ, lắp ghép…”. Chúng tôi cho rằng việc quy định Toà án chỉ có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tại các Điều 107, 108, 109 khi người bị yêu cầu có những hành vi nói trên là không hợp lý nếu không muốn nói là quá muộn trong việc bảo vệ lợi ích của đương sự hoặc đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án. Do vậy chúng tôi kiến nghị sửa đổi các Điều 107, 108, 109 theo hướng sau đây:

Kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy cần phải ngăn chặn người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán tài sản.

Cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy cần phải ngăn chặn người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản cho người khác.

Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy cần phải ngăn chặn người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

– Về việc cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi theo Điều 114 Dự thảo:

Cũng với những lập luận trên, chúng tôi cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu như cho phép Toà án có thể áp dụng các biện pháp cấm hoặc buộc đương sự phải thực hiện những hành vi nhất định nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu sẽ xảy ra trong tương lai. Do vậy chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 114 Dự thảo theo hướng sau đây:

Việc cấm hoặc buộc đương sự phải thực hiện những hành vi nhất định sẽ được áp dụng trong trường hợp việc thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định đã hoặc sẽ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc lợi ích hợp pháp của những người có liên quan trong vụ án.

3. Về căn cứ huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Điều 120 Dự thảo BLTTDSVN còn chứa đựng một điểm bất hợp lý cần sửa đổi. Cần phải thấy rằng ngay cả khi thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ kiện chính thì việc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không khởi kiện vụ án cũng không thể dẫn tới hậu quả huỷ bỏ quyết định này đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời mang tính tạm ứng trước được quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 101 Dự thảo nếu như người bị áp dụng đã thi hành quyết định. Trong trường hợp này nếu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có khiếu nại và nguyên đơn không khởi kiện vụ án thì có thể coi rằng vụ việc tranh chấp giữa các bên đã được giải quyết một cách nhanh chóng. Đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án tại các Khoản 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 101 Dự thảo nếu người yêu cầu áp dụng các biện pháp này không khởi kiện vụ án thì việc huỷ bỏ quyết định áp dụng các biện pháp này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị áp dụng. Từ những lập luận trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 120 Dự thảo theo hướng sau:

Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án theo quy định tại các Khoản 1, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 101 mà hết thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Toà án ra quyết định áp dụng người yêu cầu đã không khởi kiện vụ án tại Toà án, trừ những trường hợp Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập;

– Biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 101 mà hết thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Toà án ra quyết định áp dụng người yêu cầu đã không khởi kiện vụ án tại Toà án và người bị áp dụng cũng chưa thi hành quyết định, trừ những trường hợp Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập;

– Xét về mặt thực tế nếu như sau khi ra quyết định áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời nếu quyết định của Thẩm phán là có sai lầm hoặc không đúng pháp luật mà không cần thiết phải thay thế bằng một biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Toà án phải huỷ bỏ quyết định đã áp dụng. Tuy nhiên Điều 120 Dự thảo hiện nay lại không đề cập đến trường hợp này. Do vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung Điều 120 Dự thảo một căn cứ huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có sai lầm hoặc không đúng pháp luật mà không cần thiết phải thay thế bằng một biện pháp khẩn cấp tạm thời khác.

4. Về các quy định nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Hiện nay theo quy định Điều 101 Dự thảo để đảm bảo việc xét xử và thi hành án Toà án có thể áp dụng các biện pháp như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong toả tài khoản tại Ngân hàng, phong toả tài sản ở nơi gửi giữ, phong toả của người có nghĩa vụ. Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này và ngăn ngừa sự lạm dụng từ phía người có quyền yêu cầu các nhà lập pháp đã đưa vào trong Dự thảo những quy định về biện pháp bảo đảm buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá bằng tiền vào một tài khoản phong toả tại Ngân hàng. Đây là một điểm tiến bộ của Dự thảo 11 so với các văn bản pháp luật trước đó. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nếu Toà án áp dụng biện pháp phong toả tài sản của người có nghĩa vụ (Điều 113) thì đương nhiên người có nghĩa vụ sẽ không thể chuyển dịch những tài sản bị phong toả mặc dù đây không phải là những tài sản đang tranh chấp. Nếu tài sản bị phong toả là bất động sản mà giá nhà đất biến động theo chiều hướng giảm thì về nguyên tắc theo quy định tại Điều 99 người yêu cầu áp dụng biện pháp này sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xét về mặt thực tế người bị áp dụng biện pháp phong toả này sẽ khó có thể nhận được khoản tiền bồi thường nếu người yêu cầu áp dụng biện pháp này không có tài sản để thi hành khi thi hành án. Vậy các nhà làm luật phải tìm ra một giải pháp nào đó để có thể xử lý được vấn đề này? Theo chúng tôi để tránh những thiệt hại không đáng có và không làm phức tạp thêm việc giải quyết tranh chấp, các nhà làm luật nên mở cho người bị áp dụng biện pháp này một con đường để tự cứu lấy mình, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa họ và người yêu cầu áp dụng biện pháp phong toả tài sản của họ. Cụ thể là cho phép người bị áp dụng biện pháp phong toả này có thể gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá bằng tiền tương đương với nghĩa vụ họ phải thực hiện vào một tài khoản phong toả tại một Ngân hàng để thay thế cho biện pháp phong toả bất động sản nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán. Từ những lập luận trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 121 Dự thảo theo hướng bổ sung một quy định sau đây:

Người bị áp dụng biện pháp phong toả tài sản theo quy định tại Khoản 11 Điều 101 thuộc Bộ luật này, có thể gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền tương ứng với nghĩa vụ họ phải thực hiện để thay thế cho biện pháp khẩn cấp mà Toà án đã áp dụng.

– Điều 99 Dự thảo có đề cập tới trách nhiệm của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại mà không đề cập tới trách nhiệm của Toà án trong trường hợp Thẩm phán có lỗi trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại. Hiện nay Dự thảo cũng không đề cập tới trách nhiệm của Toà án và Viện kiểm sát nhân dân trong trường hợp Toà án tự mình hoặc Viện kiểm sát kiến nghị Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quyết định khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại. Do vậy chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 99 Dự thảo theo hướng quy định của trách nhiệm của Toà án và Viện kiểm sát trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại.

5. Về các quy định có liên quan đến việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời:

– Khoản 2 Điều 122 có đề cập tới việc gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức có liên quan mà không đề cập tới việc gửi quyết định khẩn cấp tạm thời cho Cơ quan thi hành án trong khi đó đây lại là một vấn đề rất quan trọng. Do đó, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 122 như sau:

Toà án, cấp hoặc gửi ngay quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cá nhân, tổ chức có liên quan, Cơ quan thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cá nhân, tổ chức có liên quan phải lập tức thi hành khi nhận được quyết định này.

– Việc thi hành ngay lập tức các quyết định khẩn cấp tạm thời có một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 122 mới chỉ dừng lại ở việc quy định hiệu lực thi hành ngay của biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chưa quy định một cơ chế cụ thể để thực hiện. Sự chậm trễ trong việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Do vậy việc quy định về vai trò chủ động của người yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như sự phối hợp kịp thời giữa Toà án và Cơ quan thi hành án là hết sức cần thiết. Vì lẽ đó chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 122 Dự thảo như sau:

Khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có quyền yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành. Khi nhận được yêu cầu thi hành của người yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời kèm theo bản quyết định của Toà án hoặc nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải lập tức ra quyết định thi hành.

SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC, SỐ ĐẶC SAN GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT TÔ TỤNG DÂN SỰ, THÁNG 4.2004

6 Responses

  1. cam on thay da dua bai viet nay gjup cho e duoc tham khao trong qua trjnh hoc tap va nghjen cuu mon ttds nay. E mog thay baj vjet sau se dua ra y nghja cua van de de cac em duoc tham khao nhjeu hon.

  2. Em cảm ơn thầy về bài viết. em thấy bài viết rất hay. giúp cho sinh viên tiếp cận sâu vấn đề này. chỉ có điều biện pháp cấm hoặc buộc thực hiện một hành vi nhất định chưa được quy định cụ thể . nên chăng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về biện pháp này nhằm tránh sự lúng túng trong việc áp dụng vào thực tiễn.

    • Cảm ơn hai em (dodocute et hang) đã quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Đúng là như bạn (hang) bình luận. Rất cần có những quy định hướng dẫn có tính khái quát cao, bên cạnh những quy định được liệt kê có tính thông dụng.

  3. em cảm ơn thầy rất nhiều, vấn đề này được học trên lớp giờ lý thuyết và thảo luận các cô có nói nhiều và nhấn mạnh đến vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản đang tranh chấp. Mong rằng sẽ có thêm những nghiên cứu của thầy về vấn đề này!

  4. bài đăng chậm quá, bây giờ Bộ luật TTDS 2011 sửa đổi đã ban hành rồi mới đăng lên thì cập nhật không theo kịp rồi.

    • Trần Anh Tuấn –
      Cảm ơn bạn Lương đã có phản hồi. Tuy nhiên, Luật Sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2011 chưa có sửa đổi nào về chế định này. Bài viết thực hiện đã lâu nhưng vì lý do riêng, tôi không muốn đăng tải các bài viết trên mạng. Nay thấy cách nghĩ của mình không có lợi gì cho sự phát triển nghiên cứu, các em sinh viên lại đang rất cần tài liệu nên tôi đã quyết định post lên để các em có thêm tài liệu tham khảo. Nếu lược bỏ phần luật thực định trong bài viết trên thì tư tưởng cốt lõi về BPKCTT trong bài viết vẫn có giá trị tham khảo nhất định về phương diện học lý.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading