admin@phapluatdansu.edu.vn

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

THS. BÙI XUÂN PHÁI – Giảng viên khoa Hành chính – Nhà nước

Một văn bản luật ra đời là một sản phẩm của nhiều hoạt động mang tính trí tuệ cao. Luật tiếp cận thông tin là một văn bản quan trọng, cụ thể hoá một phần quyền cơ bản của công dân – quyền tự do thông tin. Nó cũng là sự thể hiện thái độ trách nhiệm của nhà nước ta trước các điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên và trước nhân dân, đồng thời xác định mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân trong nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng.

Có thể nói đây là một bước chuyển quan trọng về chất trong quan niệm của chúng ta về quyền con người. Tuy nhiên, đây là lần đầu chúng ta xây dựng một luật về vấn đề này nên không thể tránh khỏi những khó khăn. Với mong muốn góp phần vào việc làm hoàn thiện luật này, tôi xin có một số góp ý cho dự thảo như sau:

Về tên gọi của dự luật này.

Nếu đây là văn bản luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 1992 (được sửa đổi năm 2001) về quyền được thông tin của công dân thì tên gọi dự luật này không phản ánh hết ý nghĩa của quyền này và như vậy đương nhiên nội dung và phạm vi điều chỉnh sẽ bị thu hẹp lại. Quyền được thông tin phải bao gồm cả quyền được biết thông tin và quyền được tạo ra thông tin. Tất nhiên các quyền này có giới hạn và phải gắn với những nghĩa vụ và bảo đảm nhất định. Quyền được biết thông tin gắn liền với quyền được cung cấp thông tin được đảm bảo bởi các chủ thể có trách nhiệm, còn quyền được tạo ra thông tin lại gắn với bản thân mỗi công dân và các chủ thể khác. Nếu dự luật để tên như vậy thì thiếu nội dung thứ hai và quyền cơ bản của công dân không được cụ thể hóa một cách đầy đủ. Nếu thể hiện được cả nội dung thứ hai này thì ý nghĩa của nó chính là sự thể hiện tính tích cực chính trị của công dân mà đặc biệt trong việc xây dựng chính sách pháp luật, đồng tời liên quan gần gũi với hoạt động phẩn biện xã hội.

Chương 1

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Nếu như dự luật có sự tiếp nhận ý kiến trên, phạm vi điều chỉnh của luật phải được mở rộng ra khá nhiều. Đó chính là những quan hệ xã hội xảy ra trong các hoạt động tạo ra thông tin và phổ biến thông tin. Luật là để điều chỉnh quan hệ xã hội biểu hiện thông qua hành vi của con người nên dự luật: “quy định về thông tin được tiếp cận, …hình thức tiếp cận thông tin…” là không hợp lý. Nên chỉnh lại là: “luật này xác định các loại thông tin mà công dân, cơ quan, tổ chức được tiếp cận…” và “quy định hình thức công bố thông tin”. Thông tin là cái đã có nên luật không quy định mà chỉ xác định thông tin nào thuộc đối tượng mà cá nhân, tổ chức… tiếp cận. Mặt khác, hình thức tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức… không phụ thuộc vào quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, không nên dùng cụm từ “điều chỉnh thông tin thuộc bí mật…” mà thay bằng cụm từ “điều chỉnh hoạt động cung cấp và tiếp cận thông tin…”

Chú ý rằng luật có phạm vi hay đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội. Thông tin không phải là phạm vi hay đối tượng điều chỉnh.

Thứ hai, về cơ quan có trách nhiêm cung cấp thông tin (điều 3), nên có bổ sung cơ quan kiểm toán nhà nước, tổng cục thống kê, cơ quan tạo ra thông tin, vì đây là những cơ quan nắm giữ rất nhiều thông tin mà công dân, cơ quan, tổ chức muốn tiếp cận, (tất nhiên là thông tin không thuộc bí mật nhà nước).

Thứ ba, về đối tượng (chủ thể) được tiếp cận thông tin. Đây là quy định nên có vì đã xác định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin thì cũng phải quy định về loại chủ thể này, trong khi đó dự luật chưa xác định. Quyền của chủ thể theo quy định của pháp luật phải gắn với chủ thể nhất định. Đó là công dân, là các cơ quan, tổ chức hoạt động với tư cách là đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt nam (không thể áp dụng cho cá nhân hay tổ chức nước ngoài…).

Thứ tư, về thông tin được tiếp cận (điều 4) và chưa được tiếp cận (điều5). Đây là hai loại thông tin có quan hệ với nhau. Thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên được xác định thuộc thông tin được tiếp cận theo quy định của pháp luật tố tụng. Quy định như vậy sẽ tránh sự chồng chéo với Bộ luật tố tụng hình sự.

“Thông tin đang trong quá trình soạn thảo” là thông tin rất cần được tiếp cận, nhất là khi nó phục vụ cho hoạt động phản biện xã hội nên phải đưa vào danh mục thông tin được tiếp cận và kèm theo điều kiện “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Thứ năm, về Quyền tiếp cận thông tin (theo điều 6), dự luật nên đưa vào quy định về chủ thể được tiếp cận thông tin. Mặt khác, quy định quyền tiếp cận thông tin lại liệt kê các hình thức tiếp cận thông tin là không logic. Dự luật cũng quy định “…trừ hồ sơ tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh” là thừa vì đã có quy định ở trên về thông tin không được tiếp cận. Nếu không thì nên quy định là “…trừ những thông tin được quy định tại khoản 1 điều 5 của luật này”.

Thư sáu, Nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin nên bổ sung nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin. Theo tôi, đây là nguyên tắc quan trọng vì nó chi phối, bao quát toàn bộ quá trình tiếp cận thông tin, từ tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin, cung cấp thông tin, sự chính xác của thông tin và hậu quả của thông tin không chính xác đến vấn đề chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác…

Thứ bảy, về nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan … và các hành vi bị nghiêm cấm (điều 9 và10). Những nội dung này nên đưa về một điều. Mặt khác, các hành vi bị nghiêm cấm đã có quy định khác của pháp luật điều chỉnh rồi( chẳng hạn pháp lệnh bí mật nhà nước hay bộ luật hình sự ). Còn hành vi “lạm dụng quyền tiếp cận thông tin gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan” nên quy định là hành vi bị cấm chứ không nên quy định là “không lạm dụng…”

Chương II

Ở điều 12, khoản 1 nên đưa xuống sau khoản 2 vì mục đích của điều này là xác định các loại thông tin được công bố công khai rộng rãi là chủ yếu. Khoản 1 chỉ là biện pháp có tính chất bảo đảm cho việc công bố thông tin. Cũng không nên quy định khuyến khích mà phải coi việc công bố thông tin là bắt buộc vì đó là trách nhiệm của các cơ quan cung cấp thông tin nhất là thông tin này là thông tin được công bố công khai rộng rãi . Nên quy định bổ sung vào mục o) thông tin về nguy cơ gây tác động tiêu cực đến sức khoẻ, môi trường, bổ sung mục t) thông tin về các bản án xét xử minh oan cho cho các bị cáo, các lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý về những quyết định sai trái gây thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức khi thi hành công vụ nhằm khôi phục quyền lợi chính đáng của họ.

Chương III

Chuyển khoản 2 điều 16 về điều khoản quy định về chủ thể (đối tượng) tiếp cận thông tin sẽ phù hợp về cả nội dung cũng như hình thức vì điều 16 xác định thông tin được tiếp cận theo yêu cầu (chứ không quy định về chủ thể yêu cầu trong điều khoản này).

Khoản 1, điều 21 nên trình bày bằng cách tách thành các mục sau cụm từ cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm như sau:

a) Thông báo cho người yêu cầu về quyết định tiếp nhận;

b) Quyết định từ chối cung cấp thông tin hoặc gia hạn thời gian để xem xét việc giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin.

Đối với điểm d) khoản 1, điều 27 nên sửa lại là : “…hoặc phần thông tin vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan nắm giữ thông tin”

Khoản 2, Điều 27 nên chuyển về khoản 1, điều 5.

Khoản 1, điều 28 nên cụ thể ở các mục a), b), c), d) bằng một quy định chung là; “trừ trường hợp những thông tin này cần thiết cho việc giải quyết các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng

Khoản 1, điều 34 bổ sung mục e) là : “ Khi thông tin được yêu cầu tiếp cận có nội dung không chính xác.”

Khoản 1, điều 36 nên sửa cho ngắn gọn hơn là: “Quốc hội giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, cơ quan, tổ chức thông qua một cơ quan của Quốc hội” .

SOURCE: CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading