admin@phapluatdansu.edu.vn

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC CÓ SỐNG ĐƯỢC BẰNG LƯƠNG?

DIỆU THÙY

I. Dạy quanh năm, thu nhập “lai rai”

Không đủ tiền trang trải cuộc sống, nên có không ít giảng viên phải “bán” đi chữ tâm của nghề giáo khi tham gia vào mua bán điểm, đề thi, “ăn” phong bì khi học sinh bảo vệ đồ án tốt nghiệp… làm cho hình ảnh người thầy càng ngày càng méo mó trong con mắt của sinh viên và xã hội.

image Giảng viên cũng “chạy sô”, làm thêm

Là giảng viên đại học với học vị tiến sĩ, thâm niên 14 năm, nhưng mức lương chính của TS Trần Nam (đang dạy ở trường đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia TP.HCM)… chỉ 2,2 triệu đồng, cộng thêm các khoản thu nhập khác được khoảng 6 – 7 triệu/tháng. “Hiện một tuần tôi phải giảng khoảng ba, bốn lớp, hướng dẫn ba, năm học viên cao học và nghiên cứu sinh, thỉnh thoảng ngồi hội đồng (chấm luận văn tốt nghiệp – PV), thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm, tức khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nếu vợ tôi cũng làm được chừng ấy tiền nữa thì đủ để chi tiêu hàng tháng. May mà tôi còn có nguồn thu nhập khác để mua nhà, tích luỹ…”, ông Nam tâm sự.

ThS Lê Thạc Hoa, người từng có thâm niên hơn mười năm giảng dạy môn tiếng Anh tại nhiều trường đại học, hiện đã chuyển ra làm công ty, cho biết thời… “cao điểm” đi dạy có lúc thu nhập của ông đạt mức trên 20 triệu đồng/tháng. “Hai mươi triệu. Có nghĩa là 16 tiết mỗi ngày, từ 6 – 21h. Tuần bảy ngày, không thấy mặt vợ con, nghỉ trưa một tiếng rưỡi đủ gặm bánh mì”, ông Hoa nói không chút hài hước. Ai cũng nghĩ tiếng Anh là thời thượng nhưng đó là môn học không bắt buộc sinh viên phải có mặt trên lớp, sĩ số lớp lại bị khống chế, do đó thù lao giảng dạy không quá 60.000đ/tiết. Vì ông Hoa tiết lộ từng ấy năm đi dạy đại học, ông chưa bao giờ dám nhận môn viết luận vì “nếu nhận thì còn đâu thời giờ để sửa bài cho sinh viên”. Với môn chủ nghĩa Mác – Lênin, tình hình cũng “căng thẳng” không kém. Hiệu trưởng một trường đại học tư thục ở TP.HCM đề nghị không nêu tên tiết lộ, thời bây giờ thắp đuốc kiếm giảng viên môn Mác – Lênin quá khó. Trả 150.000đ, thậm chí 200.000đ/tiết cũng không có đủ giảng viên để đứng lớp.

Nghiên cứu khoa học là… xa xỉ

Hoạt động nghiên cứu khoa học là quy định bắt buộc, hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy. Giảng viên đại học phải nghiên cứu, tiếp cận với khoa học công nghệ để làm phong phú, sinh động bài giảng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều trường đại học, mức lương cơ bản hiện nay trả quá thấp, nguồn thu nhập chủ yếu của giảng viên là lương giảng dạy. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng trường đại học, cao đẳng trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng giảng viên “chạy sô” liên tục, thờ ơ với công việc nghiên cứu khoa học, thậm chí đã có giảng viên còn nói vui đó là việc “xa xỉ chất xám”. Một phó giáo sư, nguyên giảng viên khoa ngữ văn của đại học Sư phạm TP.HCM cho biết lương phó giáo sư về hưu của ông hiện chưa đến 5 triệu đồng/tháng, mặc dù có nhiều nơi thỉnh giảng khi nghe tin ông về hưu nhưng ông vẫn phải từ chối bớt vì không đủ sức, “hiện thu nhập của tôi mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Đó là mức thu nhập chỉ đủ dùng để uống bia”, ông hóm hỉnh.

Năm ngoái, trường đại học Kinh tế thuộc đại học Quốc gia Hà Nội từng có đề xuất trả lương giảng viên bằng USD, theo đó, giảng viên giỏi có thể có thu nhập tới 5.000 USD/tháng. Người đưa ra đề xuất gây “chấn động” này tại hội thảo về tài chính của bộ Giáo dục và đào tạo là PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, hiệu trưởng trường Kinh tế. Giải thích về đề xuất của mình, ông Nhạ cho rằng, do mức lương lâu nay của giảng viên đại học ở Việt Nam thấp nên họ phải đi dạy thêm, luyện thi đại học, ít đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Một số người còn cho rằng vì lương thấp nên nảy sinh nhiều tiêu cực, giảng viên phải bán điểm, bán đề thi, “ăn” phong bì khi học sinh bảo vệ đồ án tốt nghiệp, thậm chí viết luận văn, luận án thuê… làm cho hình ảnh người thầy càng ngày càng méo mó trong con mắt của sinh viên và xã hội. Sau gần hai năm, đề án của ông Nhạ chưa được thực thi và đến nay cũng đã sắp… chìm vào quên lãng.

Lương giảng viên tính ra sao?

Theo cách tính lương hiện hành, lương giảng viên đại học căn cứ vào ba khoản sau: khoản 1, lương cơ bản (được tính theo thang lương của Nhà nước), bao gồm lương, phụ cấp ngạch, bậc. Khoản 2, lương giảng dạy được tính đúng, tính đủ căn cứ theo phẩm chất (chất lượng của bài giảng và học hàm), thời lượng (số tiết dạy) và khả năng tài chính của cơ quan quản lý lao động (thoả thuận giữa hai bên). Khoản 3 là lương nghiên cứu khoa học.

Theo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, thời gian làm việc là 40 giờ/tuần, tổng quỹ thời gian làm việc bình quân trong năm học là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ. Trong đó có 900 giờ giảng dạy. Ngoài 900 giờ này, tổng thời gian quy định cho chức danh giảng viên là 500 giờ nghiên cứu khoa học, 360 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; chức danh phó giáo sư và giảng viên chính có 600 giờ nghiên cứu khoa học và 260 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; chức danh giáo sư và giảng viên cao cấp có 700 giờ nghiên cứu khoa học và số giờ hoạt động chuyên môn, các nghiệp vụ khác là 160.

II. Bán sức khoẻ kiếm thu nhập

Trả lương thấp không những làm ảnh hưởng chất lượng giảng dạy, nghiên cứu mà còn “đào bới” rộng hơn cho dòng chảy chất xám trong trường công ra trường tư và nước ngoài.

Thầy “chạy sô”, trò lãnh đủ

Do quy định và cách tính lương không hợp lý mà hiện nay phần lớn giảng viên đều giữ một chân biên chế ở một trường đại học công lập nào đó, sau khi dạy hết định mức, số giờ dư ra thay vì dành cho nghiên cứu, viết các bài báo khoa học, họ buộc phải dành để “chạy sô” ở các nơi khác, không chỉ một mà có khi hai, ba trường đại học, cao đẳng cùng buổi. Hiệu trưởng một trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, mỗi năm, trường ông phải thỉnh giảng từ 30 – 40 giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chủ yếu từ các trường ở TP.HCM. Định mức cho một giờ dạy của đội ngũ này thường cao gấp đôi, gấp ba lần so với chi phí phải trả cho giảng viên tại địa phương. Cũng vì vậy mới có chuyện sinh viên học ca ba hoặc học một môn liền tù tì suốt một tuần sáng chiều, rồi thi luôn để thầy kịp ôm bài về thành phố chấm. Ông Nguyễn Hồng H., giảng viên đại học Nông lâm TP.HCM chỉ ra một bất cập khác: “Lẽ ra nhà trường phải ấn định thời khoá biểu rồi các giảng viên theo đó sắp xếp giờ dạy thì ngược lại, các trường phải lên thời khoá biểu cho sinh viên theo lịch của thầy. Giảng viên rỗi giờ nào, cho sinh viên học giờ ấy”.

Một giảng viên trẻ của đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết, với cách tính lương giảng viên đại học theo hình thức “sống lâu lên lão làng” hiện nay, nếu có phấn đấu cả đời, các giảng viên cũng không đủ tiền để mua một căn nhà nho nhỏ. Thực tế, ngay cả lương giáo sư, phó giáo sư (tính đúng tính đủ) cũng chỉ có thể trang trải chi phí hàng ngày, “Thu nhập của giáo sư đại học không bằng thu nhập của một chuyên viên tài chính trẻ tuổi đang là một sự xúc phạm với nền khoa học và giáo dục ở Việt Nam”, TS Nguyễn Tiến D., hiện đang giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành toán (bậc đại học) tại Pháp nhận xét.

Hạch toán thu nhập

Nhiều cựu sinh viên trường đại học Khoa học xã hội nhân văn (TP.HCM) vẫn hay nhắc tới TS Nguyễn Thị L. ở khoa ngữ văn với giọng kính nể, bà L. nổi tiếng có số giờ dạy kỷ lục: 4.000 tiết/năm ở nhiều trường, tương đương với trung bình 11 tiết/ngày suốt tuần không có ngày nghỉ. Tất nhiên thu nhập của bà cũng “đáng nể” nhưng đi cùng với đó bà phải đánh đổi lại sức khoẻ, thời gian chăm lo gia đình và không còn thời gian đầu tư cho nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn.

GS.TS Nguyễn Xuân Hãn, đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra dẫn chứng cụ thể, một PGS.TS thuộc trường ông có thâm niên giảng dạy hơn 30 năm, lương cơ bản hệ số 5,9 nhân với 650.000 đồng, cộng với 25% phụ cấp được khoảng 4,4 triệu đồng/tháng. Với điều kiện PGS đó dạy đủ giờ, mỗi giờ theo quy định được trả 12.000 đồng. Để có thu nhập đủ sống, nuôi gia đình, PGS này phải kiếm việc làm thêm, dạy thêm kể cả luyện thi đại học, trung bình thêm khoảng 1 – 2 triệu đồng/tháng. Nghiên cứu khoa học, hai năm mới có một đề tài là 30 triệu đồng/hai năm. Nhà ở tập thể, hai con đang học phổ thông… Tối thiểu cả gia đình ông phải có từ 10 – 12 triệu đồng/tháng thì mới gọi là đủ chi phí sinh hoạt. Một giáo sư khác, tốt nghiệp ở nước ngoài, tham gia giảng dạy từ năm 1978. Lương cơ bản hệ số 7,28 nhân với 650.000 đồng, cộng 25% nữa được khoảng 5,9 triệu đồng, sau khi trừ mọi thứ, lĩnh 5,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, ông này phải dạy gấp hai lần tiêu chuẩn giáo sư, thêm hướng dẫn luận văn đại học, cao học, nghiên cứu sau đại học…thu nhập thêm hai triệu đồng/tháng. Nếu có đề tài khoa học, thu thêm được 20 triệu đồng/năm. Tổng cộng cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Đối với giảng viên trẻ tuổi từ 30 – 40, học vị tiến sĩ, thạc sĩ, lương cơ bản cũng chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng, dạy thêm trung bình một hai triệu đồng/tháng, “để lo được gia đình, nhà cửa… bằng lương là rất khó”, ông Hãn phát biểu.

Nước nào trả lương giảng viên cao nhất?

Một nghiên cứu thuộc trung tâm Giáo dục đại học quốc tế, thuộc trường cao đẳng Boston (Mỹ) vào năm 2008 về so sánh lương giảng viên đại học của 15 nước trên thế giới bao gồm: Canada, Mỹ, Úc, Đức, Anh, Pháp, Arập Saudi, New Zealand, Nhật, Nam Phi, Malaysia, Colombia, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc cho thấy, mức lương trung bình dành cho những giảng viên hàng đầu (top-level) của các nước này là 5.318 USD. Trong đó dẫn đầu danh sách là Arập Saudi (8.409 USD/tháng) và đứng cuối bảng là Trung Quốc (1.845 USD/tháng). Lương khởi điểm trung bình của các giảng viên khác ở 15 nước này là 2.888 USD/tháng. Báo trên cũng cho biết, đối với những nước đang phát triển, vấn đề quá rõ ràng là phải thu hút được những giảng viên chất lượng cao của nước ngoài, đồng thời giữ chân được giảng viên giỏi trong nước. Nếu mức lương trong nước không thể cạnh tranh với nước ngoài, dòng chảy chất xám sẽ tiếp tục đổ ra khỏi các quốc gia nghèo.

(nguồn: Boston College)

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Lương thấp là lãng phí chất xám

Theo số liệu điều tra của học viện Giáo dục, đại học Princeton, bình quân lương giảng viên đại học tại Ấn Độ cao gấp 8,7 lần so với GDP, bình quân lương giảng viên đại học tại Nam Phi cao gấp 5,8 lần bình quân GDP, trong khi đó bình quân lương giảng viên đại học tại Việt Nam hiện nay mới chỉ gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với GDP, con số này thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của UNESCO (lương giáo viên các cấp tại các nước đang phát triển cần phải gấp khoảng 4 lần so với GDP).

Nếu còn kéo dài tình trạng trả lương cho giảng viên đại học theo khung lương hành chính sự nghiệp và không có phúc lợi đi kèm thì sẽ thật bất lợi cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, không khuyến khích được người tài. Theo số liệu điều tra, 70% người có bằng tiến sĩ trở về nước đã chuyển sang làm quản lý, do bận công việc hành chính, dần dần bỏ giảng dạy và nghiên cứu. Chỗ cần cho giảng dạy thì thiếu người có trình độ tiến sĩ, còn chỗ hành chính chỉ cần người có trình độ đại học lại thừa bằng cấp tiến sĩ, giáo sư. Hiện nay nhiều người có bằng tiến sĩ bỏ ra làm ngoài, thoát ly giảng dạy. Sự lãng phí đó đã và đang tiếp tục làm chảy máu chất xám.

Ngoài ra, đầu tư cho khoa học là một loại đầu tư rất tốn kém, không có tiền thì khó mà làm khoa học cho thành công được. Để có một công bố quốc tế, so với các nước Trung Quốc đầu tư ít nhất là 100.000 USD cho một bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế, trong khi đó ở Việt Nam chỉ đầu tư hai ba chục triệu, thậm chí vài triệu. Hướng dẫn một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nước ngoài tính đầu tư 100.000 USD/nghiên cứu sinh, còn ở Việt Nam chỉ đầu tư vài chục triệu. Trong suốt ba năm hướng dẫn, thầy chỉ được nhận khoảng 5 – 6 triệu/nghiên cứu sinh. Tình trạng xuống cấp về chất lượng đội ngũ khoa học hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ chế độ lương bổng và đãi ngộ quá bất hợp lý. Tăng lương cho người có trình độ khoa học, đã được giáo sư Hoàng Tuỵ đặt vấn đề sau khi nước nhà thống nhất đến nay, nhưng chưa được chấp nhận!

TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM:

Những người làm khoa học không có môi trường

Nhà nước đang phải tốn rất nhiều tiền của để đào tạo các thạc sĩ, tiến sĩ mới. Chưa biết hiệu quả của các chương trình ra sao, sẽ có thêm bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng được đào tạo thêm và sẽ về nước phục vụ, nhưng chúng ta lại không quan tâm đúng mức đến việc sử dụng những người đã trở về và đang làm việc. Học cùng năm với tôi có hai tiến sĩ toán hiện đang làm việc khác bên ngoài. Khi họ về nước cũng không ai liên hệ với họ, họ đến xin cộng tác cũng đối xử rất lạnh nhạt. Có hai người bạn khác, một người tốt nghiệp tiến sĩ ở Hà Lan về với nhiều nhiệt huyết, nhưng nay anh cũng đã dao động khi cuộc sống quá khó khăn, làm việc thì đụng bao nhiêu cái nhiêu khê của thủ tục, cơ chế. Một người khác tốt nghiệp ở Pháp về, là một nhà toán học đầy triển vọng, vậy mà lương tháng cũng chỉ 2,2 triệu đồng.

Kinh tế chỉ còn trông chờ vào những chuyến đi công tác nước ngoài. Tôi nghĩ, nếu bớt số tiền đào tạo tiến sĩ mới mà đầu tư, “khai thác” các tiến sĩ đã có sẵn thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.

SOURCE: CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Trích dẫn từ: http://sgtt.com.vn/detail33.aspx?newsid=56615&fld=HTMG/2009/0908/56615

30 Responses

  1. Nghe hình như cứ sai sai thế nào thì phải. Anh trai tôi hiện đang học tại Trường Đại học Sư phạm Mỹ thuật, và anh nói: “Giảng viên trong trường không ai là không đi ô tô cả”. Điều này không nói lên bất cứ thứ gì về lương của các giảng viên, nhưng nó nói lên thu nhập của họ. Anh tôi chỉ học 1 năm đã bị các giảng viên bòn rút hơn 500000 đồng, thử hỏi trong 1 năm họ đã lấy bao nhiêu tiền của các học sinh? Thật sự tôi không thể chịu nổi các vị giảng viên này. Xóa bài của HS, đánh dấu là chưa làm để HS không thể lên lớp -> tiếp tục bòn tiền; tự in giáo án và các loại sách rồi ép HS mua với giá gấp đôi thị trường? Tôi thấy họ không còn cái tâm của người nhà giáo nữa rồi. Mà hơn nữa, anh trai tôi chỉ đang học tại Trường Đại học Sư phạm Mỹ thuật, nếu như là các trường kinh tế thì rút 1 triệu/1 HS/năm có lẽ còn là ít.

  2. Ăn bớt lương trắng trợn
    Dư luận đang xôn xao về quy định mới của hiệu trưởng mà thực chất là ăn bớt tiền lương của GV. Theo quy định này, từ tháng 3/2017 thực hiện chế độ bình xét theo kiểu cán bộ 4 tốt, 3 tốt như TQ mà đã làm trong những năm 50-60 của thế kỷ trước. GV loại A hưởng 100% lương, loại B 75%, lọi C 50% vvv. Với khoảng 1000 CB GV mà hàng tháng bớt xén 25%, 50% vv thì họ mất đi một số tiền không nhỏ. Nhiều người nghe đến điều này thì hỏi rằng số tiền thu được nhờ bớt xén lương này sẽ đi đâu, vào túi ai. Hay đã cuối nhiệm kỳ rồi hiệu trưởng lo làm vậy để kiếm ăn . Khi chế độ lương chưa được cải thiện thì hiệu trưởng lại đưa ra quy định tai quái đó. Việc làm này vi phạm luật GD và các TT, NĐ của bộ GD, bộ nội vụ và bộ LĐTBXH. Mặt khác để gom được nhiều ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, hiệu trưởng tích cực tuyển thêm người, một nguồn thu lớn. Dư luận bức xức nhưng âm ỉ vì sợ trả đũa .Mong các PV báo chí và các cơ quan pháp luật vào cuộc để làm rõ vấn đề này và ngăn chặn kịp thời kẽo tệ tham nhũng hoành hành làm CB GV cơ cực.

  3. co the noi luog danh cho cac giao vien va giang vien con thap sau khj minh doc thong tin.Mong sau luong giang vien va giao vien co the tang len 1 doan dai nua de thay co bot vat va

  4. Mình đã ra trường và đi làm 1 năm, bây giờ bộ môn có chỉ tiêu tuyển thêm giảng viên và có gọi mình về lại thi công chức, nhưng đọc xong bài báo này mình thấy mức lương chênh lệch nhiều quá, liệu thế này thì có sống nổi không khi mà mức lương hiện tại của mình cao hơn mức này nhiều nhưng cũng mới chỉ đủ sống. Nhưng mình cũng rất phân vân khi gặp nhiều bạn sau khi đi làm 1 vài năm rồi cũng quay về làm giảng viên hoặc có nguyện vọng làm giảng viên. Thực sự khó nghĩ.

  5. Lương ơi là lương?????? biế t đến bao giờ lương giáo viên mới đủ sống, tôi đi dạy gần năm rồi, đến nay thì cục nợ cũng to dần, lương tháng sau không đủ bù chi phí tháng trước, ôi thôi biết bao giờ mình cảm thấy thật yên tâm khi dạy học, vừa dạy vừa la không biêt xoay ít tiền ở đâu ma lo máy cái đám cưới của mấy đứa bạn,…….

  6. that kinh khung,minh la sv,minh hoc trung binh – kha,moi ngay day kem trung binh 4,5 h,moi thag mih kiem gan 4tr,ma k du sog nua,dag nay,la jvien ma nhu the,nhug jo luog cban len 1050k roy,nhug ja ca tag vot,chug nao moi sog noi bang luog day,huhu

  7. Mình cũng là một giảng viên trẻ đây, của một trường nổi tiếng ở Hà Nội. Ai cũng nghĩ là giảng viên thì giàu lắm, nhất lại là trường danh giá như trường mình. Nhưng mà thật sự với các bạn là những giảng viên trẻ bọn mình mỗi tháng vẫn phải xin thêm tiền bố mẹ mới đủ ăn. Lương được hơn 2tr một tháng sống giữa Hà nội này làm sao mà sống được. Mình cũng có biết bao ước mơ là sẽ cống hiến năng lực, NCKH… Nhưng thực tế, những tháng gần đây chỉ nghĩ làm sao để tìm việc làm thêm thôi… khó khăn và vất vả lắm. Nhiều khi bố mẹ cũng hiểu hoàn cảnh nên cũng động viên nhưng mà mình cũng cảm thấy xấu hổ một chút vì mang tiếng giỏi giang mà ra trường mấy năm rồi cũng không tự nuôi nổi mình. Không biết sau này còn tính chuyện chồng con thế nào đây, may mà mình là con gái… Chế độ lương cào bằng của Nhà nước như bây giờ thật sự là ẩn chứa rất nhiều bất cập. Nếu trả lương 10 triệu một tháng mình dám thẳng thắn tuyên bố là không bao giờ nhận phong bì của sinh viên. Nhưng mà tình trạng này thì mình cũng không dám cao giọng đâu… hic hic

  8. Tôi nghĩ sớm muộn gì nhà nước cũng phải cải cách lại tiền lương để những người theo nghiệp giáo dục không còn bận tâm đến cái ăn cái mặc nữa mà chỉ chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người thôi. Một đất nước muốn phát triển phải là một đất nước biết đầu tư tiền của và sức lực một cách thích hợp và đặc biệt cần đầu tư nhiều cho khoa học công nghệ đặc biệt phải cải cách về lương để những người làm công tác nghiên cứu khoa học không còn bận tâm đến tiền bạc nữa giúp cho họ chuyên tâm nghiên cứu. Tôi hi vọng những người trong quốc hội sẽ đọc được những trăn trở của tôi cũng như của các bạn đọc gần xa khác.

  9. Tôi là giảng viên đại học được gần 10 năm rồi. Lương tôi chưa nổi 3tr/tháng. Trường tôi thuộc tỉnh nghèo, không có thể làm thêm hay dạy thêm gì hết, sinh viên đa số người dân tộc…. cứ cuối tháng tôi lại lo “Không biết đủ tiền đi chợ đến ngày có lương không”
    Bài viết này tôi thấy lương như vậy là cao quá đấy! Tôi nằm mơ giữa ban ngày cũng không thấy được. Hiệu trưởng trường tôi sắp về hưu rồi mà lương cũng 5tr/tháng thôi.
    Chẳng biết lương giảng viên như tôi bao giờ mới mua nổi xe máy mà không phải đi vay, mượn, chứ không dám nghĩ đến mua đất, mua nhà.

  10. chào các bạn, mình là Nhung. Mình đang làm cộng tác viên cho ban Thông tin xã hội từ thiện của Tạp chí Tình thương và cuộc sống. Hiện nay, Tạp chí đang tuyển một số giảng viên để giảng dạy chính cho lớp học Khám phá sức mạnh bản thân (EPS). Lớp học chỉ học vào thứ 7 và CN. Nếu bạn nào muốn kiếm thêm thu nhập thì liên hệ với mình theo số điện thoại 0945568859.

  11. các bạn nên nhớ rằng,chúng ta đang sống trong chế độ XHCN Việt Nam.làm bất kể ở cơ quan nào…cũng có dòng chữ Sống và làm việc theo hiến phát và pháp luận của nhà nước VN dân chủ công bằng văn minh..tuy là đồng lương cò thấp không đủ chi tiêu cho đời sống hiện nay.tất cả các cán bộ công chức viên chức..nhà nước theo quy định thì fải làm việc và sinh hoạt tại cơ quan là 8h/ngày thì còn thời gian đâu mà kinh doanh ngoài kiếm thêm kinh tế.vd nếu như 2vợ cùng làm nhà nước theo mức lương khởi điểm sao đủ để sinh thêm đứa con theo thời giá hiện nay leo thang vùn vụt.nói nữa còn nhiều và rất nhiều…..tôi mong rằng nhà nước sẽ quan tâm kịp thời tăng lương hợp lý đến đời sống anh em cán bộ và có biện pháp ngăn chặn lạm phát càng sớm càng tốt.

  12. Hãy ước mơ đi các em, GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC oai lắm! Có sao đâu, hãy sống bằng khí trời, bằng niềm tin, bằng lương tâm, biết nói những câu chiều lòng để đảm bảo lương tháng…chỉ đủ mua rau muống!

  13. hiện giờ em mới ra trường và mong muốn lớn nhất là được cống hiến nhưng hiểu biết của mình tại trường đại học mà em đã học, để nối gót cha ông và tổ tiên chứ đâu có nghĩ tới lương lại thấp như thế này, rất mong được sự hiểu và điều chỉnh của các bác cán bộ lãnh đạo nhà nước xem xét cho. có cuộc sống tốt thì mới xây dựng được hình ảnh nhà giáo đẹp được các bác ạ ! thank all

  14. Cảm ơn Nobugana về những chia sẻ của bạn,
    Mình không phủ nhận vẫn có nhiều giảng viên có tâm với nghề, luôn trăn trở cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thậm chí, có những người cống hiến cả đời, lên hết học hàm này học vị kia nhưng cuối cùng họ vẫn là người bị thiệt.
    Tuy nhiên, từ xưa cha ông chúng ta đã quan niệm rằng “quan lại” không sống bằng lương mà sống bằng “bổng”, vì thế nên từ thời phong kiến trãi qua nhiều giai đoạn lịch sử thì “nếp suy nghĩ” đó vẫn còn tồn tại và vận dụng đến ngày nay. Không phải những người lãnh đạo bề trên không biết cấp dưới của mình lương không đủ sống nhưng họ vẫn không có động thái gì còn cấp dưới thì giả kêu giả chết, bởi lẽ cấp trên biết rằng thực ra chúng mày đâu cần sống bằng lương đâu, bọn mày gần dân càng vơ vét được hơn cả bọn t ở trên này đấy chứ. Lương của một chủ tịch xã dù có kiêm nhiệm thêm vài ba cái “trọng trách” gì đó nữa (như hội cựu chiến binh…) thì cũng không đủ tiền ăn mì tôm ngày ba bựa nhưng tại sao cấp trên vẫn kệ mặc, đơn giản là cả trên lẫn dưới đều hiểu là không thằng nào ngu mà phải sống bằng lương cả. Tuy nhiên, cho phải đạo với dân thì cấp dưới cũng giả vờ kêu cho thế thôi.
    Từ những chinh sách lương bổng của quan lại suy ra hệ thống lương của giảng viên, giảng viên kêu thì cứ kêu trong khi tiền họ kiếm ngoài thì vẫn cứ kiếm ngoài. Tiền công tác (dạy mấy bác tại chức, mấy vị này cần gì kiến thức đâu tiền là xong hết), tiền khóa luận sinh viên, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tư vấn ngoài…. Do đó, để che mắt dư luận thì họ vẫn cứ kêu cho phải lệ.
    Nói tóm lại, xã hội đang ngụy trang bởi những sự giả dối. Ai cũng hiểu nhưng lại cứ ra vẻ thế này thế nọ. Tôi còn nhớ có 1 vị quan nọ kêu là công việc vất vả khổ sở trong khi lương ko đáng bao nhiêu, tôi liền nói: khổ thế thì thôi đừng làm nữa xuống đi, để tôi lên làm đầy tớ thay ông cho, ông xuống làm “chủ nhân” (tức người dân) đi.
    Muốn cải cách bất kỳ một chính sách gì trước hết phải cải cách cái đầu của người lãnh đạo, điều này cũng đồng nghĩa với việc là never, bởi trừ khi họ nhận thấy mình cần phải thay đổi chứ không ai thay đổi nổi họ, chính sách của Nhà nước phải mang bộ mặt của con người, phải hạn chế lòng tham, tính ích kỷ và đặc biệt là phải hạn chế sự “giả dối”, lừa người, lừa mình.

    • Mình thấy bạn nói quá đúng, không chỉ trong ngành GD-ĐT mà ở tất cả các hoạt động “làm công ăn lương” đều như vậy. Cuộc sống cũng tàm tạm nếu biết thu xếp khéo. Tuy nhiên mình thấy nảy sinh sự bất bình đẳng về thu nhập ngoài luồng (ý mình nói về thu nhập tập thể) và rất phụ thuộc vào mối quan hệ với cấp quản lý, người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể sử dụng sự phân phối lợi ích này như một quyền lực mềm để chi phối bạn, sai khiến, ràng buộc bạn phải làm theo kế hoạch riêng của mình (có thể là tốt, cũng có thể là đen tối). Người lao động một khi đã nằm trong hệ thống này rồi thì ví như cầu thủ trên sân đã bị một “thẻ vàng”, nếu manh động thì có thẻ sẽ bị phạt “thẻ vàng nữa” (đổi thành “thẻ đỏ” để ra khỏi cuộc chơi).

    • Bạn nói đúng quá…nhưng thật buồn làm sao…….những người chọn thanh liêm thật lẻ loi, họ không có tiếng nói thì làm sao thay đổi cả một hệ thống từ trên xuống dưới.thậm chí họ ngao ngán muốn yên thân yên phận mà chấp nhận thỏa hiệp 1 số mặt để không bị đào thải. Cách giải quyết có lẽ là những người muốn cải cách phải làm cho mình thật giỏi, giỏi đến mức không kẻ nào tự ý xâm phạm mình được. Người giỏi vẫn luôn là thành phần tinh hoa, và dĩ nhiên luôn là thiểu số, kẻ tiểu nhân cũng không phải đa số, số đông là kẻ ba phải, bên nào mạnh thì ngả theo bên đó. Vậy vấn đề của người muốn cải cách là họ phải giỏi và phải liên kết với nhau thành một thế lực đối trọng với thế lực của những kẻ tiểu nhân đi cửa sau. Nếu không sự lẻ loi của họ hoặc không khiến họ thiệt thân về lợi ích chính đáng thì cũng khiến họ bị đồng hóa thỏa hiệp với cái xấu để tồn tại…..

  15. Mình nghĩ, có lẽ do lương tâm của người giáo viên, và tình yêu nghề, tình yêu đối với tri thức mà giảng viên đã chấp nhận hy sinh một phần cuộc sống của mình, không những thế, còn ảnh hưởng đến gia đình chính mình. Một người con trưởng thành có thể làm bố mẹ yên lòng nếu không làm ra tiền nuôi sống chính mình, một người chồng có đủ nghị lực làm việc khi không nuôi sống được vợ con không bạn??? Mình không chắc rằng trong số bao nhiêu giảng viên đang lặng im tiếp tục sống vì sự nghiệp giáo dục kia có bao nhiêu người “vẫn sống bình thường” như bạn nói.
    Mình chỉ là một đưa con gái. Hy vọng trong hai tháng tới, mình sẽ được làm giảng viên ở một trường đại học mà mình mong muốn. Có thể đồng lương mình làm ra không thể chi trả nổi một nửa chi phí cuộc sống ở thành phố đó, nhưng, đó là mơ ước của mình từ thuở ấu thơ.
    Có lẽ bài toán giảng viên và lương sẽ luôn là trăn trở của không ít người quan tâm đến nó. Làm sao ngăn được hả bạn?

  16. Các bạn cứ thắc mắc và hoài nghi về việc Giảng viên có sống được bằng đồng lương của mình không? Chẳng phải hằng bao nhiêu Giảng viên vẫn sống bình thường đấy thôi, chẳng phải thầy Hải vẫn Giảng dạy và nghiên cứu hơn chục năm đấy thôi… Người ta sống được thì mình cũng sống được.
    “THÍCH NGHI VỚI MỌI MÔI TRƯỜNG LÀ BẢN NĂNG SINH TỒN CỦA CON NGƯỜI”

  17. Tôi sắp ra trường, đang định xin làm giảng viên, không biết giờ như thế nào nữa. Tại sao một ngành nghề tốn nhiều chất xám lại không được trả lương đúng mức như vậy? Nếu đã thế thì chảy máu chất xám là dễ hiểu. Sao lại bêu riếu chuyện người ta đi tìm miếng cơm manh áo trong khi nhà nước ta còn nhiều bất cập trong việc trọng dụng nhân tài???

  18. Làm giáo viên thì người thầy người cô nào cũng phải có chữ tâm. Nhưng nếu mức lương mà không đủ nuôi sống người thầy, cô. Thầy cô mất đi thì chữ tâm đó để vào đâu?

  19. Vừa mới học xong Đại học sư phạm. Đọc xong, thấy sao hồi 12 mình ngu quá, không biết tìm hiểu lương trước khi chọn nghề. Ai cũng nói nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Đúng là: đói cho sạch rách cho thơm thật.

  20. Lắm lúc cũng thấy bất công lắm. Nhiều trường các giảng viên nghiêm túc thì thu nhập rất thấp. Nhiều trường các giảng viên chất lượng kém lại nhận hối lộ nên thu nhập cao. Mình là giảng viên trẻ của một trường nghiêm túc mình thấy buồn lắm!!! Mong nhà nước thiết chặt quy chế và tăng lương cho giảng viên càng sớm càng tốt.

  21. Tôi mới ra trường được 4 tháng, đang là giảng viên ở đại học ngoại ngữ Huế. lương của tôt chỉ mới đựơc 1200k. trong khi đó nhà cửa tự túc. nếu hàng tháng không đuợc hỗ trợ từ gia đình, tôi thậm chí phải nhịn đói vài bữa. giảng viên chỉ là cái mác cho oai vâyj

  22. trời ơi. đọc bài viết này xong là ước mơ làm giảng viên đại học của em đã giảm đi 1 nửa rồi. Thầy Hải ơi, đây là sự thật hả thầy? Thế thì với một sinh viên mới chuẩn bị ra trường (chắc là bằng khá) như em thì làm thế nào đây? Em thấy thi vào làm giảng viên trường mình đã khó lắm rồi mà lại còn thế này nưa…Học lao động em cũng biết là cán bộ công chức lương thấp lắm, nhưng em nghĩ còn phụ cấp, còn tính lương theo giờ giảng dạy nữa chắc cũng không đến nỗi nào. Nhưng quả thật lương thấp quá. Nếu có may mắn mà được nhận vào thì để đảm bảo một cuộc sống chắc em cũng phải “bán sức khỏe” của mình mất. Bây giờ em mới thấu hiểu nỗi khổ của các thầy cô. Hic

  23. Em đang ước mơ làm một giáo viên, mà tiền lương thấp quá sao đây ta.

    • Bài viết có mục đích xác định là tạo hiệu ứng cộng đồng, cốt để nói sự “bèo bọt” trong đồng lương giảng viên. Xin thưa, là một giảng viên trẻ trong Nam, tôi xác nhận với các bạn đọc giả đã bị “bịp” thông tin là thông quy chế lương giảng viên có trình độ thạc sĩ là 110.000 VND/1 tiết. Một ngày nếu sắp xếp xô hợp lý có thể chạy tối thiểu 10 tiết. Và con số 110.000 là trên giấy tờ, tồn tại không ít trường chấp nhật trả với hệ số 1.X đến 2.X. Đấy là chưa tín quỹ tiền thưởng tại cơ sở cơ hữu mình trực thuộc. Và cũng chưa luồng thu nhập ngoài từ việc nghiên cứu khoa học. Suy cho cùng, lương giảng viên không “bèo bọt” như người ngoài cuộc nghĩ. Một cách hiểu khác, bài viết tạo nên làm sóng tiêu cực về sự thiếu thốn của nghề giáo, vô tình dập tắt mơ ước chính đáng của nhiều bạn trẻ có định hướng làm giảng viên. Thân

      • M cũng đang là giảng viên và thưa b, bài viết này được đăng từ năm 2009 (thời điểm lương tối thiểu chung vẫn là 650.000VNĐ). Và theo cảm nhận của mình, có lẽ bạn may mắn được giảng tại 1 trường đại học lớn, có tên tuổi và chi phí trả lương tốt, còn theo mình biết thì đến nay, năm 2014, vẫn còn không ít các trường đại học trả mức lương bèo bọt và đương nhiên giảng viên muốn sống phải đi chạy “sô”. Hay như bạn nói, 1 ngày có thể giảng tối thiểu 10 tiết –> b có chắc chắn ngày nào cũng giảng được số tiết như vậy không? và nếu giảng được thì thời gian đâu để b NCKH (định mức 500h/năm). Nói cách khác, thu nhập của b hiện h có thể cao nhưng vẫn chủ yếu từ nguồn dạy thêm, làm thêm chứ không phải xuất phát từ nguồn lương chính thức, từ số giờ giảng chính thống mà Bộ GD đã nghiên cứu và quy định để đảm bảo cho mỗi giảng viên có thời gian giảng dạy + NCKH và nghỉ ngơi để mỗi giờ lên lớp có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Cá nhân mình hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết, dù đó là một bài viết từ 5n trước đây.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading