admin@phapluatdansu.edu.vn

VỤ ÁN “MY SÓI” NHÌN TỪ GÓC ĐỘ XÃ HỘI HỌC TỘI PHẠM: ĐỪNG VỘI QUY KẾT TRÁCH NHIỆM CHO NGÀNH GIÁO DỤC

LƯ QUANG VINH

Vụ án My “sói” tạm thời khép lại với tổng mức hình phạt lên đến 161 năm tù cho 8 bị cáo là một sự ray rứt không hề nhỏ cho toàn xã hội. Hệ quả của vụ án còn là tiếng chuông rè trong một hồi chuông dài các nổi đau của tội phạm vị thành niên. Vấn đề đặt ra là không chỉ người chưa thành niên phạm tội mà trong hầu hết các vụ án, bất kể đối tượng phạm tội có được học hành hay không người ta cũng quy kết trách nhiệm cho ngành giáo dục như một cách tốt nhất để chối bỏ trách nhiệm của chính mình vậy. Có chăng, chính những tiếng nói oang oang quy kết ấy lại là hành vi phản giáo dục, góp phần không nhỏ trong việc phát tán hay tô đậm hơn phương thức phạm tội cho các nhóm nguy cơ phạm tội khác noi theo mà thôi!

Trong khi hướng dẫn của Liên hiệp quốc về phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên (gọi tắt là Hướng dẫn Riyadh) đã được thông qua năm 1990 chỉ rõ ra rằng các thành tố giáo dục bao gồm cả việc xem xét vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng, chính sách xã hội, luật pháp và hệ thống tư pháp đối với đời sống người chưa thành niên (NCTN).

Công bằng mà nói, môi trường giáo dục hiểu một cách chỉnh thể phải bao gồm các thành tố nêu trên. Song, trong phạm vi thu hẹp “người chưa thành niên phạm tội” thì chúng ta cần chia tách từng thành tố để xem xét như môi trường, hoàn cảnh cụ thể để xác lập đúng trách nhiệm của từng thành tố trong nhóm giáo dục. Không phải ai vi phạm pháp luật đều do ngành giáo dục không làm tròn trách nhiệm mà không loại trừ các trường hợp người phạm tội chưa từng đi học, bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc bướng bỉnh vì quá đủ đầy,…

Một nghiên cứu của Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân phạm tội của người chưa thành niên xuất phát từ gia đình: 49% NCTN phạm tội phàn nàn về cách cư xử của cha mẹ là không công bằng, áp đặt, ngược đãi, đánh đập,… Mặt khác, sự quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu con cái của cha mẹ cũng tạo nên thói quen dựa dẫm, không ý thức về trách nhiệm, luôn đòi hỏi được phục vụ, được hưởng thụ cũng là một tác nhân thúc đẩy trẻ phạm tội không kém.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, Violence Against Women Fachtsheet No. 239) thực hiện ở Hoa Kỳ cho thấy bạo lực gia đình chống lại phụ nữ đồng thời cũng chất gánh nặng lên hệ thống các cơ quan tư pháp. Bởi lẽ pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xếp các hình thức bạo lực gia đình (ở phạm vi, mức độ khác nhau) là những hành vi vi phạm pháp luật và vì vậy, mỗi khi các hành vi bạo lực gia đình xảy ra, các cơ quan tư pháp sẽ phải điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời cũng chất gánh nặng lên hệ thống giáo dục. Bạo lực gia đình có thể gây ra cho học sinh – những nạn nhân trực tiếp hoặc phải chứng kiến cảnh người nhà là nạn nhân của bạo lực gia đình dẫn đến những rối loạn về tâm lý, sự sa sút trong học tập và tỷ lệ học sinh bỏ học vì lý do bạo lực gia đình là rất cao.

Qua đó cho thấy, nhà trường chỉ đóng vai trò nhất định trong việc giúp hoàn thiện các kỹ năng về ngôn ngữ, kiến thức cũng như các giá trị tinh thần cho những người được đến lớp trước một hệ thống giáo dục hành vi gồm các mắt xích như môi trường sống, nhân cách của cha me, ông bà, bạn bè, phương thức truyền thông, chính sách xã hội, luật pháp và hệ thống tư pháp đối với đời sống của NCTN.

Điều 24 Công ước về các quyền chính trị – dân sự năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) nêu rõ: "Mọi trẻ em… đều có quyền được hưởng sự bảo hộ của gia đình, xã hội và nhà nước". Như vậy, không có nghĩa NCTN vi phạm pháp luật thì không được bảo hộ, ngược lại theo tinh thần cải cách tư pháp của Việt Nam thì các đối tượng này cần phải bảo hộ đặc biệt. Cụ thể là tùy vào độ tuổi của NCTN mà chỉ áp dụng mức hình phạt bằng ¾ hoặc ½ đối với người đã thành niên đủ năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra còn phải xét đến các tình tiết giảm nhẹ khác như thành thật khai báo,…

Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (Công ước về quyền trẻ em) mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Trong đó, Quyền được bảo vệ và chăm sóc của trẻ em là một quyền luôn được đề cao. Vì chưa đạt đến sự trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, trước cũng như sau khi ra đời. Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn áo mặc. Khi làm việc vắng nhà, chúng ta cần phải lo thu xếp sao cho trẻ em luôn được người lớn có trách nhiệm trông nom, hoặc đưa các em đến nhà trẻ, trường học để các em được an toàn và chăm sóc tốt. Khi trẻ em làm trái pháp luật cần nhận được mọi sự giúp đỡ, chăm sóc cần thiết để có điều kiện sớm hoà nhập vào cuộc sống của gia đình và cộng đồng, tránh các hành vi tái phạm.

Các báo cáo thống kê tình hình tội phạm ở Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ tái phạm ở NCTN là rất cao, trong đó không loại trừ môi trường cách ly xã hội không phù hợp, ít phát huy được hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn tạo ra tác dụng ngược. Tuy Việt Nam đã có khung pháp lý về phòng ngừa tội phạm, nhưng vẫn chưa có chương trình quốc gia về phòng ngừa tội phạm cho NCTN. Vì thế, báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Việt Nam của Ủy ban Quyền trẻ em thì các hoạt động phòng ngừa tội phạm NCTN của Việt Nam đang không phù hợp với hướng dẫn Riyadh.

Thực tiễn cho thấy, NCTN tái phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cũng không loại trừ khả năng các em sau khi ra trại lại có “kinh nghiệm” hơn để thể hiện mình, do sống chung môi trường với các “anh chị” cả về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Đáng lưu ý là theo thống kê của Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho thấy tội phạm chưa thành niên đang gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, hơn 35% NCTN vi phạm pháp luật có tái phạm… Còn theo số liệu báo cáo tại Hội thảo về Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020 cho thấy, NCTN phạm tội đang gia tăng và trẻ hoá. Trung bình hàng năm có trên 10.000 vụ tội phạm hình sự, với trên 15.000 trẻ vị thành niên gây ra. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010, có 4.300 vụ với 6.460 trẻ vị thành niên gây ra. Trong đó 59 vụ giết người, 222 vụ cướp,…

Một khía cạnh khác cũng cần được đề cập, NCTN là người bị hại cũng được quyền bảo vệ riêng tư trong quá trình tố tụng. Bảo đảm môi trường tòa án sao cho sự tương tác giữa NCTN và hệ thống tư pháp được tiến hành theo cách thức phù hợp với tâm sinh lý của NCTN. Hiện nay, Tòa án ở nhiều quốc gia trên thế giới đã bố trí phòng xử riêng biệt để NCTN và gia đình các em có thể cách ly với bị cáo và người thân của họ; giảm thiểu thời gian trẻ em phải đợi chờ tại tòa án; bố trí các vị trí để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn, NCTN là người bị hại được ngồi cách xa bị cáo; NCTN ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; cho phép NCTN ngồi trả lời chứ không phải đứng khi tiến hành thẩm vấn; không cho phép công chúng vào phòng xử án khi NCTN đang cung cấp lời khai, chứng cứ hoặc mô tả lại hành vi bị xâm hại.

Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý đối với Thẩm phán phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của NCTN nhằm tránh sự nôn nóng xét xử theo cảm tính, dư luận. Xét về giác độ Xã hội học, hệ quả pháp lý của các phiên tòa xét xử điểm, lưu động thường có mức án cao hơn cho những người vi phạm pháp luật so với điều kiện xét xử bình thường. Điều này làm cho thời gian thụ hình cộng với môi trường cách ly không biệt lập về độ tuổi của NCTN ở nước ta hiện nay e rằng khó phát huy được hết tính giáo dục. Mặt khác, sẽ tạo ra một khoản cách lớn trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN là không cần thiết, nên chăng ngành tư pháp nước ta cần sớm khắc phục những điểm này.

Vai trò truyền thông chuẩn mực cũng là một kênh giáo dục quan trọng mà hướng dẫn Riyadh đặc biệt nhắc tới. Ngoài công tác chuyên môn theo tôn chỉ mục đích của tổ chức mình, nên chăng các phóng viên đừng quá xa xỉ với các tít giật gân như: Nữ quái tuổi teen; Từ thiếu nữ thành “sói hoang” tàn độc; Kẻ máu lạnh,… cũng như đừng vội quy kết trách nhiệm, buộc tội cho cá nhân, tổ chức, bị can bị cáo khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án./.

SOURCE: TÁC GIẢ CUNG CẤP

VIỆC SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐICH THƯƠNG MẠI CẦN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

2 Responses

  1. Việc trẻ em vị thành niên phạm tội hiện là một vấn đề đau đầu đối với toàn xã hội. Mọi người cần có một cái nhìn nhân hậu hơn đối với các cháu, hãy chú trọng khía cạnh giáo dục hơn là kết án.

  2. Tôi nhất trí với quan điểm của tác giả. Tòa án hãy nhẹ tay một chút, báo chí hãy nhẹ giọng hơn một chút. Hãy nhìn vào sự việc một cách nhân văn hơn, nếu không cách hành xử như hiện nay sẽ tạo ra tác dụng ngược lại. Nên mở ra cho NCTN phạm tội một lối thoát hơn là hủy hoại cả tương lai của họ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading