admin@phapluatdansu.edu.vn

ÁP DỤNG ĐIỀU 474 BỘ LUẬT DÂN SỰ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TÍNH LÃI SUẤT NỢ QUÁ HẠN

NGUYỄN THÀNH DUY

Ðiều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Ðịa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Ngày 11/01/2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện C có văn bản kiến nghị số 01/KN-VKS, kiến nghị vi phạm trong giải quyết án dân sự đối với Toà án nhân dân huyện C. Nội dung kiến nghị: Tại các bản án số 05/2011/DSST ngày 23/9/2011 của Toà án nhân dân huyện C, giải quyết vụ “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn Huỳnh Tấn Lang với bị đơn Vũ Ngọc Lễ; bản án số 06/2011/DSST ngày 30/9/2011 của TAND huyện C, giải quyết vụ “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Thành Vinh với bị đơn Vũ Ngọc Lễ.

Các đương sự xác lập hợp đồng vay tiền có thời hạn và có lãi. Viện kiểm sát huyện C cho rằng: Đối với lãi suất nợ quá hạn được tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố từ thời điểm quá hạn đến ngày xét xử sơ thẩm mới đúng quy định của khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự.

Ngày 18/01/2012, Toà án nhân dân huyện C có văn bản phúc đáp số 01/2012/TA-PĐKN, có nội dung: Vụ án mà Viện kiểm sát đã nêu thuộc trường hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi (lãi suất 3%/tháng). Toà án nhân dân huyện C viện dẫn khoản 5 Điều 474, khoản 1 Điều 476 của Bộ luật dân sự và điểm b khoản 4 mục I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Bộ tài chính, hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản để lập luận rằng: “khi đến hạn bên vay không trả tiền cho bên cho vay là hoàn toàn do lỗi của bên vay. Nếu tính lãi quá hạn theo cách tính của Viện kiểm sát kiến nghị thì gây thiệt hại cho bên cho vay (Lãi suất quá hạn khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thanh toán lại thấp hơn lãi suất trong hạn – khi bên vay chưa vi phạm nghĩa vụ là không hợp lý). Toà án áp dụng lãi suất cơ bản x 150% để tính lãi suất chậm trả là khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật mà Toà án đã viện dẫn, phù hợp với bản án, quyết định trước đây của Toà án các cấp”.

Trên cơ sở các ý kiến khác nhau trong việc áp dụng pháp luật giữa Toà án – Viện kiểm sát nhân dân huyện C, chúng tôi cho rằng: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền, theo quy định tại khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Trong trường hợp như đã nêu trên, tại hợp đồng vay tài sản, các bên chỉ thoả thuận về lãi suất trong hạn. Về lãi suất nợ quá hạn không được các bên đương sự thoả thuận trong hợp đồng vay tài sản. Do vậy, không có căn cứ và cơ sở pháp lý để Toà án áp dụng Điều 476 của Bộ luật dân sự để tính lãi suất nợ quá hạn. Cơ sở pháp lý để áp dụng tính lãi suất nợ quá hạn trong trường hợp này là quy định tại khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự.

Theo đó, Việc tính lãi suất nợ quá hạn trong trường hợp này được tính bằng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm) là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự. Bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cả bên cho vay và bên vay.

Mặt khác, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm cũng được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng trong tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ ngành Toà án (Sổ tay Thẩm phán năm 2009).

Từ những lập luận, phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện C đã nêu trong kiến nghị ở trên là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với nhận thức áp dụng pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ của Toà án nhân dân tối cao.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ:

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=16059654&article_details=1

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading