admin@phapluatdansu.edu.vn

DỰ THẢO LUẬT THUẾ NHÀ, ĐẤT (Dự thảo 6)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật thuế nhà, đất.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn giảm thuế và điều khoản thi hành thuế nhà, đất.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

1. Nhà ở;

2. Đất ở;

3. Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp;

Đối tượng chịu thuế quy định tại Điều này không bao gồm các trường hợp theo quy định tại Điều 3 Luật này.

Điều 3. Đối tượng không thuộc diện chịu thuế

1. Nhà, đất sử dụng vào mục đích công cộng, phúc lợi xã hội hoặc từ thiện không vì mục đích kinh doanh;

2. Nhà, đất chuyên dùng vào việc thờ cúng của các tôn giáo, các tổ chức không vì mục đích kinh doanh hoặc để ở;

3. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không vì mục đích kinh doanh;

4. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối không vì mục đích kinh doanh;

5. Đất, nhà không có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Người nộp thuế

1. Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 Luật này là người nộp thuế;

2. Trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật thì người có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là người nộp thuế.

Continue reading

KHÔNG CÓ SỰ LỰA CHỌN

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Liên minh các hợp tác xã vận tải TPHCM đã gửi văn bản chính thức đến Thủ tướng, kiến nghị xem xét sai trái của Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong việc ra các quy định buộc chủ sở hữu xe tải phải chuyển hình thức sở hữu từ cá nhân sang hợp tác xã.

Động thái này được thực hiện sau một thời gian tranh cãi kéo dài mà không đi đến đâu, giữa các bên liên quan, bao gồm cả Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định ấy.

Có thể nói ngay rằng trong chuyện này, Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn sai. Không có quy tắc nào trong Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp cùng các luật và nghị định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, đặt cơ sở cho việc tiến hành tập thể hóa phương tiện kinh doanh của các cá nhân. Mặt khác, biện pháp tập thể hóa tài sản đầu tư thuộc sở hữu tư nhân cũng đi ngược lại các xu thế tích cực của một nền kinh tế đang hội nhập.

Tuy nhiên, cũng trong khung cảnh của pháp luật hiện hành, không có nhân vật nào trong bộ máy nhà nước đủ tư cách để, nhân danh công lý, khẳng định một cách công khai, chính thức và có thẩm quyền, rằng Bộ Giao thông Vận tải đã ra một văn bản trái luật.

Ở các nước tiên tiến, có một nguyên tắc được coi là một phần nền tảng của hệ thống pháp lý:

Nếu người dân buộc phải tuân thủ một quy tắc ứng xử nào đó do nhà chức trách ban hành, thì họ có quyền yêu cầu kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của nó. Hơn nữa, trong khuôn khổ kiểm tra khách quan, người dân không đóng vai trò người đi kêu nài đối với cơ quan ra quy định, thậm chí đối với cấp trên của cơ quan đó. Trái lại, người dân và cơ quan-tác giả của quy định gây tranh cãi đứng vào vị trí của hai bên trong một cuộc tranh chấp pháp lý trực tiếp, đối tịch và bình đẳng; cả hai đều phải nỗ lực trong việc thuyết phục một người thứ ba, đứng trung lập, chấp nhận lý lẽ và yêu cầu của mình, để từ đó ra phán quyết có lợi cho mình.

Continue reading

LUẬT PHÁP CÓ ĐỦ CHẶT ĐỂ CẤM LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG NƯỚC NGOÀI?

THS. CAO NHẤT LINH – Khoa Luật, Đại học Cần Thơ

Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài khi họ đảm bảo đầy đủ các điều kiện luật định để làm các công việc quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Điều 20, Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối với người nước ngoài tại Việt Nam như học sinh, sinh viên, phu nhân, phu quân, người giúp việc gia đình và một số đối tượng khác, khi có nhu cầu làm việc tại Việt Nam thì không phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động. Người sử dụng lao động chỉ cần gửi báo cáo trước 7 ngày, kể từ ngày người nước ngoài bắt đầu làm việc, với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi người nước ngoài thường xuyên làm việc. Nội dung báo cáo chỉ bao gồm họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc, công việc đảm nhận của người nước ngoài.

Với quy định đó, các đối tượng nêu trên cũng không cần phải đảm bảo các điều kiện khác, đặc biệt là điều kiện về bằng cấp và công việc phù hợp với bằng cấp hay chuyên ngành học của họ… Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, pháp luật đã chấp nhận cho một lượng lớn lao động nước ngoài không có trình độ cao làm việc tại Việt Nam.

Đối tượng này có thể cũng là đối tượng cạnh tranh và chiếm mất một phần thị trường lao động của lao động Việt Nam nếu như chúng ta không có biện pháp bảo vệ thị trường lao động một cách hiệu quả.

Một số điểm hở của pháp luật Việt Nam khiến chúng ta đang lâm vào tình thế mất dần khả năng bảo vệ thị trường lao động cho lao động phổ thông trong nước.

Thứ nhất, đối với học sinh, sinh viên nước ngoài: Trong thời buổi hội nhập và hợp tác hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Do đó, có thể có rất nhiều người nước ngoài lợi dụng quy định này để vào Việt Nam học tập, nhưng thực chất là vào Việt Nam để làm việc. Bởi vì như thế, họ sẽ lách được điều kiện bằng cấp “chất lượng cao” mà họ không có khi xin phép lao động theo thủ tục thông thường.

Một cách để người nước ngoài có thể lao động phổ thông hợp pháp tại Việt Nam là họ xin visa vào Việt Nam học tập tại một trường bất kỳ nào đó để đựơc hợp thức hoá với tư cách học sinh, sinh viên, rồi sau đó đi làm việc toàn thời gian như lao động bình thường mà không cần phải có bằng cấp và tất nhiên, họ có quyền làm các công việc của lao động phổ thông.

Continue reading

MẤY VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG MỞ RỘNG HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ

LG. PHAN TÁ – HẢI QUANG

Ngày nay, việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế là xu hướng chung của các quốc gia, các dân tộc, không phân biệt trình độ kinh tế, chế độ chính trị – xã hội; đang trở thành vấn đề có tầm chiến lược đối với nhiều nước, trước hết là các nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới và thách thức mới. Thời cơ mới là đất nước hòa bình, độc lập, chế độ chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên phong phú; nguồn lao động dồi dào, thị trường rộng lớn… Nếu các nguồn lực đó được tận dụng, khai thác có hiệu quả sẽ tạo nên sự hấp dẫn to lớn, thu hút được vốn, khoa học – công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế v.v.. từ bên ngoài để đưa đất nước đi kịp với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thách thức mới là chúng ta hòa nhập với khu vực và thế giới trong hoàn cảnh xuất phát điểm thấp về kinh tế, vừa thoát ra khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, đang chuyển sang nền kinh tế thị trường với việc tìm kiếm một mô hình kinh tế mới thích hợp nhưng lại là mô hình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, bên cạnh việc chúng ta đang thiếu kiến thức và kinh nghiệm, vấn đề bao trùm và nổi cộm là các thế lực thù địch đang lợi dụng con đường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên đất nước ta.

Từ những bài học thất bại trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây; từ công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, nhất là sau hơn 20 năm đất nước thực hiện đổi mới, có thể rút ra mấy vấn đề quan trọng và không kém tính thời sự trong lĩnh vực mở rộng hợp tác kinh tế, cần được quan tâm dưới đây.

Thứ nhất, các thế lực thù địch không bao giờ muốn chúng ta được yên ổn để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Biểu hiện đậm nét nhất là ngay sau khi Mỹ vừa xóa cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì ở bên ngoài, có thế lực đã hò hét: “chấp nhận cộng sản để xóa bỏ cộng sản, làm ăn với cộng sản để tiêu diệt cộng sản”, hoặc hô hào Việt Nam phải xóa bỏ nền kinh tế quốc doanh, phát triển kinh tế tư nhân, với ý đồ xác lập một thế lực kinh tế mới – giai cấp tư sản – hòng làm cho giai cấp này “sâu rễ bền gốc” vào các huyết mạch của nền kinh tế của ta, từ đó gây sức ép về chính trị, buộc phải có sự điều chỉnh và thay đổi về đường lối, tiến tới phủ định định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ còn “khuyên” chúng ta cần phải đổi mới “triệt để, không nửa vời” và nếu đã duy trì nền kinh tế nhiều thành phần thì phải chấp nhận nhiều lực lượng chính trị. Để rồi từ tư nhân hóa, đa nguyên hóa, dẫn đến tự do hóa và dân chủ hóa không hạn chế. Đây là ngón đòn hiểm độc hòng xóa bỏ chế độ ưu việt của chúng ta.

Continue reading

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KÍCH CẦU NHẰM CHỐNG SUY GIẢM VÀ ỔN ĐỊNH VĨ MÔ NỀN KINH TẾ

VÕ HỒNG PHÚC – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong năm 2008, với việc thực hiện có kết quả 8 nhóm giải pháp của Chính phủ, lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,23%. Đạt được kết quả trên là do có chủ trương đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Từ tháng 10-2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống nhân dân.

Trước tình hình khủng hoảng tài chính thế giới, Chính phủ xác định phải tập trung điều hành thực hiện mục tiêu tổng quát và các giải pháp của kế hoạch năm 2009 mà Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư đã thông qua, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với 5 nhóm giải pháp chủ yếu: (1) Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; (2) Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; (3) Chính sách tài chính và tiền tệ; (4) Bảo đảm an sinh xã hội; (5) Tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện chính sách.

Để triển khai thực hiện nhanh, kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các nhóm giải pháp trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ngày 19-01-2009 phân công cụ thể từng nội dung công việc cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Mặc dù trong thời gian ngắn nhưng các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ theo từng nội dung công việc được phân công tại Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ngày 19-01-2009. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ngay chủ trương, nhiệm vụ, các giải pháp nêu trong Nghị quyết và có chương trình hành động thiết thực để đạt được những kết quả cụ thể.

Tình hình triển khai thực hiện các giải pháp chống suy giảm và ổn định vĩ mô nền kinh tế

1- Về chính sách tài chính tiền tệ

Chính phủ đã cho phép giảm, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử. Đây là khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Continue reading

TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI: VỤ XE BỊ NGẬP NƯỚC NHÀ C6 KHU ĐÔ THỊ MỸ ĐÌNH – “CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ” GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN?

QUANG TRUNG

Trận mưa lịch sử năm 2008, nhà C6 Mỹ Đình I đã bị ngập úng tầng hầm, gây hư hỏng nhiều phương tiện gửi giữ tại đây, trong đó có nhiều xe máy, xe ôtô. Mới đây, một hộ dân đã làm đơn kiện đơn vị quản lý khu chung cư này ra toà. Vậy căn cứ pháp lý mà bên khởi kiện đưa ra là gì? Và bên bị kiện sẽ áp dụng những tình tiết, căn cứ pháp lý nào để xem xét xử lý, phản biện… đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Yêu cầu bồi thường cho xe bạc tỉ

Được biết, TAND quận Thanh Xuân đã tiến hành thụ lý vụ kiện trên. Người phát đơn khởi kiện là ông Phạm Việt Cường trú tại nhà C6 Khu Đô thị Mỹ Đình I Từ Liêm Hà Nội. Theo nội dung thông báo của TAND quận Thanh Xuân, thì ông Phạm Việt Cường đã khởi kiện yêu cầu Công ty Đầu tư & Phát triển nhà và đô thị phải bồi thường toàn bộ thiệt hại sửa chữa chiếc xe Toyota Avalon biển kiểm soát 30F – 1857 đã bị ngập nước tại tầng hầm nhà C6 đêm ngày 31.10.2008. Do nhà C6 xây dựng không đảm bảo kỹ thuật như thiết kế, và không tuân thủ theo quy định chuẩn xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nên chất lượng không đảm bảo an toàn, nhất là trường hợp khi có mưa lớn; và lỗi của nhân viên bảo vệ của công ty đã không thông báo cho ông Cường có biện pháp di chuyển, bảo vệ tài sản mà để mặc chiếc ôtô đó chìm trong nước đêm 31.10.2008 (tổng thiệt hại mà ông Cường yêu cầu Công ty này phải bồi thường là 1.244.070.000 – một tỉ hai trăm bốn mươi bốn triệu bảy mươi ngàn đồng).
Khi phân tích về khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ việc này, trên số báo 135 năm 2008, trao đổi với PV ĐS&PL, LS Trần Đình Triển cho rằng, trong việc xem xét bồi thường thiệt hại cho các chủ xe phải xét đến ba mối quan hệ. Đó là quan hệ của chủ xe; người trông xe (cơ quan tổ chức trông xe); và Công ty bảo hiểm. Nếu trong trường hợp cá nhân, tổ chức trông xe đã dùng mọi biện pháp có thể để thực hiện việc cứu hộ, mà không thể thực hiện được thì họ được miễn trừ trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức trông xe, người trông xe đủ khả năng cứu hộ, nhưng thiếu trách nhiệm và không dùng mọi biện pháp thì sẽ bị liên đới trách nhiệm. Trả lời PV về vấn đề vậy khi để xảy ra hậu quả, ai phải bồi thường, LS Trần Đình Triển cho rằng, với thông tin cho hay đơn vị tổ chức trông xe phải chịu trách nhiệm bồi thường như đã biết là chưa thật sự hợp lý. Theo quan điểm của LS Triển, điều đó sẽ được xem xét sau. Trước tiên phải là do các công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường, ông Triển nhấn mạnh.

Continue reading

TRANH CHẤP LAO ĐỘNG: BỊ SA THẢI TRÁI LUẬT

TRÙNG KHÁNH

Biên bản họp xét kỷ luật được lập sau ba tháng kể từ ngày người lao động bị sa thải. Khi xử lý vi phạm bằng hình thức sa thải, công ty đã không trao đổi, thống nhất sự việc với công đoàn cấp cơ sở.Cách đây năm tháng, anh Đỗ Phú Hóa (phường 7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bị công ty nơi anh làm việc ra quyết định sa thải với lý do tham ô gần 500 ngàn đồng.

Bỏ quên 28 lít dầu

Từ tháng 5-2007, anh Hóa là tài xế kiêm công nhân Công ty cổ phần Hàng hải Mermaid Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu). Ngày 3-9-2008, anh Hóa chuẩn bị xe đi công tác. Nhìn kim xăng đã vơi nửa, anh ước chừng phải đổ thêm khoảng 60 lít dầu diesel. Anh Hóa đã lên văn phòng ký phiếu chi 60 lít dầu và đánh xe tới cửa hàng xăng dầu (nơi anh Hóa và các tài xế khác trong công ty thường ghé) để đổ dầu.

Trong khi nhân viên cây xăng đổ dầu vào xe, anh Hóa nhận được điện thoại nên đứng ra xa để nói chuyện. Khi quay vào, anh thấy nắp bình xăng đã được đóng lại. Nghĩ rằng cây xăng đã đổ đủ số lượng dầu ghi trong phiếu, anh Hóa chạy xe đi.

Ngày 8-9-2008, công ty đã tổ chức họp để truy cứu trách nhiệm các tài xế làm thất thoát dầu. Anh Hóa và hai tài xế khác cùng điều khiển một chiếc xe được yêu cầu viết bản tường trình. Theo anh Hóa, đến sau này anh mới biết hôm đó nhân viên cây xăng chỉ đổ 32 lít dầu thì bình đầy. Nhân viên ấy đã vào trong ghi phiếu biên nhận dư 28 lít dầu cho anh. Do anh Hóa không biết để chờ lấy phiếu nên cửa hàng vẫn giữ phiếu này. Phía cửa hàng cũng có văn bản xác nhận vụ việc mà qua đó cho thấy anh Hóa đã trình bày đúng sự thật.

Một tuần sau, Công ty Mermaid đã tổ chức một cuộc họp khác để xét kỷ luật anh Hóa. Thành phần tham gia gồm có phó giám đốc điều hành công ty, kế toán trưởng và anh Hóa. Kết thúc cuộc họp, anh Hóa nhận được quyết định kỷ luật với hình thức sa thải kể từ ngày họp này. Lý do: Anh Hóa đã có hành vi tham ô tài sản công ty (theo tham khảo của PV về giá dầu trước 16-9-2008 thì 28 lít dầu có giá khoảng 450 ngàn đồng), lại không thành khẩn nhận lỗi.

Kỷ luật trước, biên bản lập sau

Theo Nghị định 33 ngày 2-4-2003 của Chính phủ, đối với trường hợp xử lý vi phạm bằng hình thức sa thải, công ty phải trao đổi, thống nhất sự việc với công đoàn cấp cơ sở. Nếu không thống nhất, công đoàn cơ sở phải báo cáo lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Phải đợi sau 20 ngày kể từ thời điểm báo cáo, công ty mới có quyền ra quyết định sa thải.

Continue reading

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN: NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI CHA ĐI TÌM CÔNG LÝ

VĂN CƯƠNG

Mặc dù tuổi già sức yếu nhưng cụ Nguyễn Duy Miễn, trú tại khu phố Minh Hải, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn phải lặn lội ngược xuôi đi tìm công lý trong suốt mấy năm qua, vì bị vợ chồng người con trai cả cướp đất và đuổi ra khỏi nhà…

Vào năm 1980, cụ Miễn đã đưa vợ cùng với 3 con gái và con trai út chuyển đến khu phố Minh Hải, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn để sinh cơ lập nghiệp, vì mảnh đất của cha ông để lại tại thôn Nam Hải, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn cụ đã cho vợ chồng con trai cả của mình là ông Nguyễn Duy Diễn và bà Đoàn Thị Bạch. Sau khi đến phường Bắc Sơn, ba cô con gái đã "chung lưng đấu cật" cùng với cụ đóng góp tiền bạc mua được 02 thửa đất, một thửa 750m2 mua của ông Hoàn và một thửa 325m2 mua của bà Tình. Đến năm 2001, vì thương con nên cụ Miễn đã tiến hành họp cả gia đình và quyết định cho vợ chồng ông Diễn thêm 120m2 trên thửa đất 325m2. Mặc dù tình thương của cụ dành cho con trai cả là thế, song ông Diễn đã không để lại sử dụng mà đem diện tích đất này bán cho bà Bốn Nguyệt với giá 110 triệu đồng và tiêu xài hết. Thật trái khoáy, khi bà Nguyệt tiến hành xây nhà thì bị UBND phường Bắc Sơn tháo dỡ, vì phường không công nhận việc mua bán giữa ông Diễn với bà Nguyệt, do ông Diễn không có hộ khẩu ở địa phương. Không muốn con mình gặp rắc rối, cụ Miễn đã đứng ra đền cho bà Nguyệt 100m2 trên thửa đất 750m2 thay cho ông Diễn. Còn lại 650m2 trên thửa đất ấy, vào năm 2002, cụ đã bán nốt cho bà Nguyệt và dùng số tiền bán đất đưa cho ông Diễn 720 triệu đồng để xây dựng nhà nghỉ mang tên Hoàng Hải ngay trên thửa đất 325m2. Xây xong nhà, ông Diễn đã đem vợ con từ thôn Nam Hải ra ở cùng với hai cụ để kinh doanh. Tưởng rằng, tại nơi đây hai cụ sẽ có được một cuộc sống an vui, sum vầy bên con cháu. Nhưng thật trớ trêu, hai cụ đã phải chịu đựng một cuộc sống hoàn toàn ngược lại. Oái ăm hơn, kể từ khi vợ chồng ông Diễn có được GCNQSDĐ trong tay, bỗng chốc hai cụ đã trở thành kẻ "ăn nhờ ở đậu".

Với hoàn cảnh nói trên, gặp PV ĐS &PL, cụ Miễn nghẹn ngào: "Tôi đã sử dụng thửa đất ấy từ năm 1980, không tranh chấp với ai. Năm 2004, tôi đã trực tiếp lên gặp lãnh đạo UBND phường Bắc Sơn để xin cấp GCNQSDĐ nhưng lại không được giải quyết. Tôi thật sự không hiểu tại sao đến năm 2005, UBND thị xã Sầm Sơn lại cấp bìa đỏ cho vợ chồng ông Diễn. Qua tìm hiểu sự việc, tôi mới biết rằng, ông Diễn đã giả mạo chữ ký của tôi để xin cấp GCNQSDĐ, UBND phường Bắc Sơn làm hồ sơ và ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đồng thời cũng là cậu của bà Bạch đã ký GCNQSDĐ số 616 cho vợ chồng ông Diễn. Sau khi được cấp sổ đỏ, vợ chồng ông Diễn đã trở mặt, đuổi bố mẹ già yếu cùng với đứa em trai út của mình ra khỏi nhà. Trong tình thế đó, tôi buộc phải đưa vợ con về ở lại căn nhà tại thôn Nam Hải nhưng cũng chẳng được yên thân, nhiều lần vợ chồng, con cái ông Diễn kéo nhau về, xỉ vả, chửi bới và tiếp tục doạ đuổi ra khỏi nhà, vì mảnh đất ấy ông Diễn đã làm GCNQSDĐ mang tên con ông ấy. Vì thế, tôi đã phải cầm đơn đi khắp nơi nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm".

Continue reading

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn