admin@phapluatdansu.edu.vn

WTO ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ: VIỆT NAM DƯỚI CON MẮT CÁC THÀNH VIÊN WTO

  ĐỖ TUYẾT KHANH

Năm 2016 là dịp nhìn lại quá trình gần 10 năm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sau một bước ngoặt quan trọng: sau 20 năm chính sách Đổi mới được áp dụng từ 1986 và 11 năm đàm phán gay go, ngày 7.11 2006, các văn kiện cho phép Việt Nam gia nhập WTO đã được Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua. Theo quy định của WTO, các nước ứng viên chính thức trở thành thành viên của tổ chức 30 ngày sau khi Nghị định thư gia nhập (Accession Protocol) được cơ quan thẩm quyền trong nước phê chuẩn. Tuy thời hạn phê chuẩn được ấn định đến 30.7.2007, Việt Nam đã tiến hành ngay thủ tục này, đệ trình lên WTO nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội ngày 11.12.2006 và chính thức là thành viên thứ 150 của tổ chức ngày 11.1.2007, đúng 12 năm sau khi đệđơn xin gia nhập, ngày 12.1.1995.

Mười năm tạm đủ để trả lời sơ khởi câu hỏi đã đặt ra cho Việt Nam lúc ấy như cho mọi nước ứng viên: vào WTO sẽ có những lợi hại gì, sẽ thay đổi ra sao? Mậu dịch có đúng là động lực phát triển kinh tế như phương châm quen thuộc của hệ thống thương mại đa phương? Để gia nhập WTO phải đồng ý một số thoả nhượng và cam kết, trong đó quan trọng hơn cả là cải cách những cơ chế và định chế để phù hợp với luật WTO và đòi hỏi của các thành viên. Đối với Việt Nam, tự khẳngđịnh là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các đòi hỏi cải cách tất nhiên rất nhiều và đặt nặng vấn đề vai trò nhà nước trong kinh tế. Vào WTO là chấp nhận sự giám sát của các thành viên thông qua cơ chế xét duyệt chính sách thương mại (Trade Policy Review, gọi tắt là TPR). Tháng 11.2013, Việt Nam đã chịu sự xét duyệt TPR đầu tiên và những đánh giá, phê bình của các thành viên cũng phần nào trả lời câu hỏi nằm trong chủ đề của Hội thảo hè năm nay : để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần cải cách những gì?

Theo quy định của WTO, lịch trình xét duyệt chính sách thương mại dựa trên tỷ trọng của mỗi thành viên trong mậu dịch thế giới : mỗi 2 năm cho 4 cường quốc thương mại đứng đầu bảng (hiện là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản), mỗi 4 năm cho 16 nước được xếp hạng tiếp theo, và mỗi 6 năm cho các thành viên khác, các nước kém phát triển nhất có thể xin được thời hạn dài hơn. Năm 2013, Việt Nam được xếp hạng 34 cho xuất khẩu và 32 cho nhập khẩu, và với tư cách thành viên mới (Recently Acceded Member) có thể yêu cầu chưa tiến hành TPR vội. Vì thế việc Việt Nam đồng ý thực hiện TPR đầu tiên của mình năm 2013, 6 năm rưỡi sau khi gia nhập, được ghi nhận là sốt sắng, tích cực hội nhập và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Hệ thống TPR vận hành qua những phiên họp thường kéo dài hai ngày, dựa trên hai báo cáo đã được soạn thảo từ nhiều tháng trước, một do quốc gia được xét duyệt và một do Văn phòng WTO. Báo cáo của chính quyền ngắn gọn vì chỉ là một tuyên bố chính sách (policy statement), nhưng báo cáo của Văn phòng WTO dài hơn rất nhiều vì duyệt qua tất cả những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của WTO, rất chi tiết và cụ thể cho từng khâu. Hai bản báo cáo được gửi đến tất cả các thành viên để xem xét và bình luận. Mục đích là kiểm tra chính sách và những biện pháp mậu dịch có tuân thủ luật WTO không và đánh giá ảnh hưởng lên các quan hệ thương mại. Do đó đấy là dịp để các thành viên chất vấn, nêu lên những vấn đề còn tồn tại, theo họ, và phàn nàn vể những gì đụng chạm đến quyền lợi của họ. Các phiên họp thuộc thẩm quyền Cơ quan duyệt các chính sách thương mại (Trade Policy Review Body –TPRB), là một trong ba bộ phận cao nhất của WTO, bên cạnh Đại hội đồng (General Council) và Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body –DSB). Thật ra ba cơ quan tối cao này tuy ba mà một vì cùng là toàn thể các thành viên họp với ba cương vị khác nhau đểđảm nhiệm những chức năng khác nhau. Trong bối cảnh vòng đám phán Doha bế tắc từ nhiều năm và tương lai mù mịt, vai trò của WTO trong lĩnh vực tự do hoá mậu dịch bị lu mờ trước vô số các hiệp ước tự do thương mại (free trade agreement – FTA) song phương và khu vực xuất hiện ào ạt trên thế giới, trong đó nổi trội nhất là hai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) đã được ký kết và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership – TTIP) còn phải thương thuyết rất vất vả. TPRB và DSB do đó cho phép WTO tiếp tục đóng hai vai trò then chốt còn lại là giám sát điều hành hệ thống thương mại đa phương và giải quyết tranh chấp.

Quan trọng là thế nhưng không phải các phiên họp của TPRB đều qui tụ toàn thể các thành viên. Các phái đoàn đến họp nhiều hay ít tuỳtheo tầm quan trọng của thành viên liên quan, ảnh hưởng của các biện pháp và chính sách. Đông nhất tất nhiên là các buổi họp TPR của các thành viên nặng ký như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, và Nhật. Mức độ quan tâm cũng thể hiện qua con số các câu hỏi được các thành viên gửi qua văn bản để chất vấn và cũng phải được trả lời qua văn bản trước phiên họp. Một cuộc xét duyệt vừa tổng quát vừa chi tiết, đề cập đến nhiều vấn đề gây tranh cãi, đòi hỏi nhiều thời gian nên phiên họp, tuy kéo dài trên hai ngày, chỉ đủ để tóm lược những trao đổi. Một đại sứ chủ toạ phiên họp và một đại sứ khác làm nhiệm vụ thuyết trình viên (discussant) trình bầy những nét chính của hai bản báo cáo, các bình luận, kể cả quan điểm của quốc gia mình. Đại diện nước được xét duyệt, thường là một viên chức cao cấp, bộ trưởng hay thứ trưởng, phát biểu sau đó, trước khi các phái đoàn lần lượt lên tiếng, cho ý kiến và nhắc lại những thắc mắc chính của họ. Chủ toạ và thuyết trình viên đúc kết phiên họp sau khi nước liên quan phát biểu lần thứ nhì và trả lời câu hỏi. Sáu tuần sau phiên họp, WTO phát hành hai biên bản, một bản tóm tắt các phát biểu và một bản ghi lại toàn bộ các câu hỏi và trả lời. Các báo cáo và biên bản là văn kiện chính của hồ sơ TPR, qua đó có thể thấy vị trí của mỗi thành viên và quan hệ với các thành viên khác.

Phiên họp TPR của Việt Nam tiến hành hai ngày 17 và 19.9.2013 dưới sự chủ toạ của Đại sứ Na Uy Joakim Reiter, thuyết trình viên là Đại sứ Uruguay Francisco Pirez Gordillo. Phái đoàn, rất hùng hậu, của Việt Nam do Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu và gồmĐại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cùng một số viên chức đến từ Việt Nam hoặc đang công tác tại Geneva. Việt Nam đã nhận được hơn 500 câu hỏi của 19 phái đoàn trong thời hạn 2 tuần trước buổi họp và 5 phái đoàn khác sau thời hạn. Những thành viên đặt câu hỏi là các đối tác thuộc châu Âu (Liên hiệp châu Âu, Thuỵ Sĩ), châu Á (Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Mã Lai đại diện cho ASEAN, Nhật, Pakistan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc), Bắc và Nam Mỹ (Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Cộng hoà Dominica, Ecuador, El Salvador, Hoa Kỳ), và châu Đại dương (Tân Tây Lan, Úc). Trừ El Salvador, Ecuador và Cộng hoà Dominica, các nước này đã phát biểu, cùng với 6 nước khác không đặt câu hỏi trước nhưng lên diễn đàn ở phiên họp: Cuba, Guatemala, Honduras, Na Uy, Phi Luật Tân và Uruguay. Các con số 24 thành viên đặt câu hỏi và 27 phái đoàn phát biểu, cộng với sự hiện diện của gần đầy đủ các vùng địa lý thế giới, chỉ thiếu châu Phi, cho thấy Việt Nam đã có một vị trí nhất định ở WTO, đủ thu hút sự quan tâm của các nước khác để thuộc vào nhóm những thành viên trung bình, ra khỏi số đông thầm lặng và vô danh.

Nếu dựa vào các bảng xếp hạng của WTO, Việt Nam đã vượt hơn hẳn trung bình sau một quá trình tiến triển đáng nể từ khi gia nhập: năm 2007, Việt Nam đứng thứ 50 cho xuất khẩu hàng hoá và 41 cho nhập khẩu, tức là chỉ vừa đủ lọt vào top 50 của WTO. Chỉ hơn tám năm sau, năm 2015, Việt Nam đã được nâng lên hạng 27, vào top 30, sau khi đã liên tục lên cao hơn như trong bảng sau:

Bảng 1 – Quá trình tiến triển của Việt Nam về xuất nhập khẩu hàng hoá1

Năm

Thứ hạng (xuất khẩu)

Kim ngạch xuất khẩu (tỉ USD)

Thay đổi so với năm trước (%)

Thứ hạng (nhập khẩu)

Kim ngạch nhập khẩu (tỉ USD)

Thay đổi so với năm trước (%)

2007

50

48,4

21

41

60,8

36

2008

không vào top 50

41

80,4

28

2009

40

  57

-9

35

70

-13

  2013

34

132

15

32

132

16

2014

32

150

14

32

149

13

2015

27

162

7,9

28

163

12,3

    Nguồn:  WTO, International Trade Statistics. Cho 3 năm 2010 đến 2012, thống kê của WTO tính theo cách khác (phân loại theo từng ngành chứ không tổng thể, chỉ xếp hạng 30 nước đầu, v.v.) nên khó so sánh.

Như thế chỉ sau hơn 8 năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã tăng 337% và kim ngạch nhập khẩu tăng 273%. Năm 2013, xuất và nhập khẩu cân đối và năm 2014 Việt Nam xuất siêu 1 tỉ đô la. Đáng kể hơn nữa, trong thông cáo của WTO ngày 7.4 năm nay về mậu dịch thế giới năm qua và dự báo cho năm 2016, bảng xếp hạng 30 nước đứng đầu xuất nhập khẩu cho thấy Việt Nam là nước duy nhất tăng gia xuất khẩu, với tỷ lệ +7,9% trong khi tất cả các nước khác đều giảm sút, với những tỷ lệ âm có khi rất cao, như -41,1% cho Saudi Arabia (vì giá dầu tụt mạnh), 31,6% cho Liên Bang Nga (vì đình đốn do giá dầu và các biện pháp trừng phạt của các nước Âu Mỹ sau khi Nga sát nhập Ukraine), và cả Úc, – 21,9% vì các nguyên liệu mất giá. Việt Nam cũng là nước duy nhất tăng nhập khẩu, trong khi Nga giảm 37% và Brazil, đang lâm vào khủng hoảng nặng, giảm 25,2%. (xem phụ lục).

Nếu đồng ý với tuyên bố của cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8.2014 là « những nước mạnh và năng động nhất đều vừa xuất khẩu nhiều vừa nhập khẩu nhiều », thì Việt Nam quả là nước năng động nhất, nếu không nói duy nhất, trong top 30 của WTO năm qua. Riêng được xếp vào 30 nước đầu bảng của WTO, trên tổng cộng 164 thành viên, cũng đã là một thành tích khá phi thường cho một nước mới chỉ được gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (lower middleincome countries) năm 2009.

Một thành tích khác cũng đáng nêu lên: trong nhóm 10 nước xuất khẩu quần áo lớn nhất, chiếm 87% tổng kim ngạch thế giới năm 2015, Việt Nam đứng hạng 4. Tất nhiên khoảng cách giữa hai nước đầu và những nước theo sau còn rất mênh mông, như bảng 2 dưới đây cho thấy, nhưng trong năm 2015, Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao nhất (+10%), trước Cam Bốt (+8%), Bangladesh (+6 %) và Ấn Độ (+2%), trong khi ngoại trừ Hoa Kỳ, không thay đổi, 5 nước còn lại đều giảm sút.

Bảng 2 – 10 nước xuất khẩu quần áo đứng đầu thế giới, 2015

Thứ hạng

Kim ngạch xuất khẩu (tỉ USD)

Tăng/giảm so với năm trước (%)

1. Trung Quốc 175 – 6
2. Liên hiệp châu Âu 112 -11
3. Bangladesh 26 +6,4
4. Việt Nam 22 +10,5
5.Hồng Kông 18 -10
6. Ấn Độ 18 +2
7. Thổ Nhĩ Kỳ 15 -9
8. Indonesia 7 -10
9. Cam Pu Chia 6 +8
10. Hoa Kỳ 6 0

Nguồn: WTO, World Trade Statistical Review 2016 https ://www.wto.org/english/res_e/statis_e/wts2016_e/WTO_Cha pter_04.pdf

Những thành quả này các thành viên WTO tất nhiên biết rất rõ vì chính họ cũng tham gia vào đấy với tư cách bạn hàng. Tại các phiên họp TPR, các phát biểu thường bắt đầu bằng ghi nhận, khen ngợi các nỗ lực và thành tựu của nước được xét duyệt để có thể sau đó phê bình, chỉ trích thẳng thắn. Đối với Việt Nam cũng thế, khen trước hầu dễ bề chê sau, nhưng ở đây không chỉ có thông lệ của ngôn ngữ ngoại giao vì các phái đoàn phát biểu đều là những đối tác ít nhiều lâu năm của Việt Nam và thật sự có ấn tượng tốt trước một quá trình tiến triển rất nhanh vì họ đo lường được giá trị của nó. Vậy các thành viên đã khen chê Việt Nam ra sao trên cơ sở hai báo cáo TPR?

Mỗi TPR có một số riêng, ghi trong mã số các tài liệu liên quan. TPR đầu tiên của Việt Nam mang số 287, báo cáo của chính phủ dài 21 trang, mang mã số WT/TPR/G/287, phát hành ngày 13.8.2013, và báo cáo của Văn phòng WTO dài 183 trang, mang mã số WT/TPR/S/287/Rev.1, phát hành ngày 4.11.2013 sau khi đã được bổ sung sau buổi họp với các đề nghị sửa đổi. Biên bản phiên họp là hai tài liệu WT/TPR/M/287 và 287/Add.1. Tất cả các tài liệu đều có thể lấy từ trang Web của WTO.

Những báo cáo TPR của Văn phòng WTO là kết quả của một công trình dài nghiên cứu, phân tích, và hội ý với chính quyền liên quan để kiểm tra các chi tiết và số liệu, kể cả qua những chuyến viếng thăm tại chỗ của các chuyên gia WTO. Báo cáo dựa trên các tài liệu chính thức trong nước và thông báo (notifications) của chính quyền lên WTO theo quy định của các hiệp định, những trả lời và giải thích của chính quyền trong quá trình soạn thảo TPR, và các số liệu, thông tin từ đủ mọi nguồn, thống kê của các tổ chức quốc tế khác và các nước đối tác, tài liệu các cơ quan quốc gia như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, và cả những bản tin trên mạng của các công ti tư vấn hay thông tin như McKinsey, Bloomberg.

Độ dày của các văn kiện TPR cũng phần nào phản ánh độ sâu của sự hội nhập vào hệ thống thương mại đa phương. Buôn bán càng nhiều với càng nhiều bạn hàng thì càng có nhiều cơ chế, luật lệ và biện pháp thương mại để xem xét đánh giá, và càng có nhiều vấn đề, mâu thuẫn trong quan hệ mậu dịch để chất vấn và thanh minh. Số trang các biên bản ghi lại in extenso toàn bộ các câu hỏi và trả lời là một chỉ số phản ánh khá trung thực mức độ này. So sánh TPR của Việt Nam với vài trường hợp tiêu biểu cho thấy mức độ hội nhập của Việt Nam tương xứng với vị trí trên trung bình một chút hiện nay trong khuôn khổ WTO. Bảng 3 – So sánh TPR của Việt Nam và vài nước

Thành viên Biên bản các câu hỏi và trả lời
Trung Quốc TPR/M/300/Add.1 (7. 2104) = 456 trang
Hoa Kỳ TPR/M/307/Add.1 (12.2014) = 444 trang
Liên Hiệp châu Âu TPR/M/317 /add.1 (7.2015) = 413 trang
Nhật Bản     TPR/M/310/Add.1 (3.2015) = 308 trang
Việt Nam TPR/M/287/Add.1 (11.2013) = 223 trang
Na Uy – TPR/M/15/Add.1 (6. 1996) = 1 trang (TPR đầu tiên) – TPR/M/269/Add.1 (10.2012) = 134 trang (TPR cuối cùng)
Thụy Sĩ – TPR/M/13/Add.1 (5.1996) = 6 trang (TPR đầu tiên) – TPR/M/280/Add.1 (4.2013) = 161 trang (TPR cuối cùng)
Maldives TPR/M/332/Add.1 (3.2016) = 37 trang

Nguồn: WTO. Bốn cường quốc thương mại lớn nhất tất nhiên nhận được nhiều chất vấn, câu hỏi phải trả lời nhất. Cho Na Uy và Thuỵ Sĩ, hai nước phát triển cao, có quan hệ thương mại rộng rãi nhưng ít gây vấn đề với các đối tác, số câu hỏi tương đối ít so với tầm vóc kinh tế. Điều đáng để ý là cho TPR đầu tiên, năm 1996, hai nước này hầu như không có câu hỏi, chất vấn nào (Na Uy chỉ 1 trang và Thuỵ Sĩ 6 trang), nhưng số trang biên bản tăng lên dần cho đến TPR gần đây nhất, cho thấy nền thương mại đa phương đã phức tạp hơn nhiều với những lĩnh vực kinh doanh mới và nhất là sự « lâm chiến » của các nước mới nổi. Maldives là một quần đảo nhỏ xíu, quan hệ mậu dịch cũng khiêm tốn như số câu hỏi và trả lời. Đối với Việt Nam, còn kém xa Na Uy và Thuỵ Sĩ về tầm cỡ nhưng lại có số câu hỏi, chất vấn cao hơn hẳn, đấy là dấu hiệu các đối tác đặc biệt quan tâmđến nhiều vấn đề còn tồn tại.

Các nhận xét và phê bình của các thành viên, dồi dào về số lượng, cũng phong phú về nội dung. Có thể tóm tắt những điểm chính như sau.

Những điểm son

Các thành viên cổ vũ sự chuyển biến của Việt Nam từ một nước nghèo với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế điều tiết do thị trường. Họ khen ngợi những thành quả kinh tế to tát đã đạt được: tỷ lệ tăng trưởng liên tục cao trong hai thập niên, trung bình 6,3% mỗi năm từ 2007 đến 2012, thành công trong xoá đói giảm nghèo, và phát triển năngđộng dựa trên xuất khẩu nhờ nỗ lực cải thiện sức cạnh tranh. Nhiều phái đoàn vai trò nhắc lại yếu tố đột phá của chính sách đổi mới đã khởi đầu quá trình hội nhập tuần tự của Việt Nam vào hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế, và đề cao sự phát triển của quan hệ thương mại song phương của họ với Việt Nam.

Những vấn đề còn tồn tại

Song các thành viên cũng nêu lên nhiều vấn đề, khúc mắc còn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp lên quan hệ của họ với Việt Nam, như trong các phát biểu của một số đối tác chính được tóm lược dưới đây. Những thí dụ này cho thấy các thành viên có những phê bình và yêu cầu rất cụ thể và chi tiết về các chính sách và biện pháp của Việt Nam. Những con số và sự kiện nêu lên trong các phát biểu dừng lại ở thời điểm phiên họp TPR, tháng 9.2013, nhưng vẫn còn tính thời sự ngày nay. Thuỵ Sĩ

Việt Nam là một đối tượng ưu tiên trong chương trình hợp tác cho phát triển của Thuỵ Sĩ, trong 5 năm qua đã được tài trợ hơn 40 triệu quan Thuỵ Sĩ cho các dự án nhằm cải thiện khung pháp lý thương mại và gia tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thuỵ Sĩ rất chú trọng đến bảo vệ quyền sở hữu tri thức và sẽ theo dõi chặt chẽ sự thực thi các luật lệ Việt Nam trong lĩnh vực này. Các công ti dược phẩm Thuỵ Sĩ đã đầu tư nhiều ở Việt Nam nhưng còn gặp nhiều trở ngại hành chính, khó khăn trong giao dịch và gia hạn giấy phép. Ngoài ra, các thủ tục đấu thầu của nhà nước không trong suốt minh bạch và Thuỵ Sĩ khuyến khích Việt Nam sớm tham gia Hiệp định WTO về đấu thầu quốc gia và cải tổ cơ chế này. Việt Nam, với đà phát triển cao, sẽ có vai trò quan trọng ở WTO và đã có nhiều cố gắng và thành tựu trong hội nhập vào thương mại quốc tế. Song đối với Thuỵ Sĩ, một nước nhỏ có nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, một hệ thống pháp lý vững chắc là điều cốt yếu và Thuỵ Sĩ chờ đợi các bạn hàng của mình tuyệt đối tuân thủ các quy tắc của WTO.

Úc

Năm 2013 đánh dấu 40 năm quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam. Hiệp ước đối tác toàn diện ký kết năm 2009 mở rộng các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giữa hai nước, bao gồm nhiều lĩnh vực. Song Úc cũng như nhiều thành viên khác quan ngại về hướng đi của một số chính sách Việt Nam, đặc biệt về các rào cản phi thuế quan và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu. Úc khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải cách chính sách thương mại và cơ cấu kinh tế, điều kiện tiên quyết để phát huy toàn vẹn tiềm lực. Úc cũng đề nghị Việt Nam thực hiện đúng thời hạn hơn các nghĩa vụ thông báo lên WTO và thường xuyên hội ý với các đối tác.

Hoa Kỳ

Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ, quan hệ mậu dịch của hai nước đã phát triển rất nhanh, tăng hơn 1500% sau Hiệp ước thương mại song phương ký năm 2001 và hơn 150% sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Năm 2012, Việt Nam là đối tác thứ 29 quan trọng nhất của Hoa Kỳ về mậu dịch hàng hoá, với tổng kim ngạch 24,9 tỉ USD. Đầu tư nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng gia tăng liên tục, đạt 1,1 tỉ USD năm 2012, tăng 10,4% so với 2011. Quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, với Hiệp ước khung về thương mại và đầu tư ký năm 2010 và sự tham gia của Việt Nam vào đàm phán Hiệp ước TPP. Hoa Kỳ ghi nhận những cải cách kinh tế và chính trị của Việt Nam từ thập niên 1980 song vẫn còn nhiều điều phải cải tiến. Vài thí dụ:

– Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam công bố các luật lệ, thủ tục hành chính trên mạng và trên Công báo (Official Gazette), cho phép công chúng góp ý trước khi thi hành. Song có nhiều trường hợp Việt Nam không công bố hoặc không cho đủ thời hạn để góp ý, và đã ban hành nhiều quy chế sớm hơn thời hạn quy định 45 ngày, gây bấp bênh cho các doanh nghiệp.

– Nghị định 72 về dịch vụ Internet và thông tin trên mạng áp dụng từ ngày 1.9.2013 đi ngược các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (GATS). Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam đảm bảo nghị định này sẽ không phương hại đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các mạng xã hội, và không cản trở các luồng thông tin cần thiết cho sự phát triển của thương mại điện tử.

– Từ khi gia nhập WTO, cách đây đã 6 năm rưỡi, Việt Nam vẫn chưa thông báo hoặc giải thích thoả đáng các thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu. Hoa Kỳ chờ đợi Việt Nam sẽ trả lời đầy đủ bảng câu hỏi của WTO về cơ chế này trước thời hạn 30.9.2013 sắp tới.

– Theo các doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng Hệ thống mã số hài hoà (Harmonized System –HS) vào hàng nhập khẩu nhiều khi tuỳtiện và không chính xác, gây rất nhiều vấn đề và thiệt thòi cho các công ti nhập và xuất khẩu. Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam áp dụng đúng đắn và thuần nhất tất cả các quyđịnh hải quan.

– Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam đảm bảo hiệu năng của các nghị định và thông tri để trừng phạt hữu hiệu các vi phạm quyền sở hữu tri thức.

Hàn Quốc

Chính sách Đổi mới và gia nhập WTO đã biến Việt Nam thành một trong những điển hình sáng chói nhất trong các nước đang phát triển. Năm 2012, Việt Nam và Hàn Quốc đã kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao với sự phát triển không ngừng của thương mại và trao đổi giữa các cá nhân. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt 21,7 tỉ USD năm 2012, với tỷ lệ tăng trường phi thường gấp 40 lần từ khi đặt quan hệ ngoại giao năm 1992. Việt Nam hiện là thí điểm đầu tư quan trọng thứ tư của Hàn Quốc, và thí điểm quan trọng nhất giữa các nước ASEAN.

Như bản báo cáo của Văn phòng WTO đã nêu, có một số vấn đề Hàn Quốc chia sẻ sự quan ngại của các thành viên. Thứ nhất, chính quyền Việt Nam trợ cấp sản xuất qua các biện pháp ưu đãi thuế hoặc ưu đãi khác và qua thủ tục đấu thầu quốc gia, đặc biệt cho ngành thép. Việt Nam cần thông tin rõ ràng hơn về việc này. Thứ nhì, một Uỷban chỉ đạo tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đã được thành lập để tách rời chức năng quản lý và quyền sở hữu của nhà nước. Vì tỷ trọng của khu vực quốc doanh, chiếm 38% GDP, chúng tôi chờ đợi Việt Nam đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cuối cùng, Việt Nam tuyên bố hiện nayđặt trọng tâm lên bảo vệ quyền sở hữu tri thức. Chúng tôi chờ đợi Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện lĩnh vực quan trọng này.

Đài Loan

Chúng tôi hoan nghênh sự gắn bó của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa phương, cụ thể trong khuôn khổ WTO. Các chính sách thương mại và cam kết khi gia nhập WTO đã giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển. Đài Loan và Việt Nam có quan hệ chặt chẽ từ nhiều năm. Đài Loan là đối tác quan trọng thứ 5 của Việt Nam, với trên 10 tỉ USD kim ngạch mậu dịch song phương năm 2012, và là nguồn đầu tư FDI thứ ba với 27,46 tỉ USD cuối tháng 7.2013. Nếu tính cả các FDI thông qua nước thứ ba, Đài Loan là nguồn đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam.

Song cũng cần phải nêu lên một số vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam tuy đã từng bước mở rộng chế độ đầu tư cho nước ngoài, vẫn áp dụng một số điều kiện hạn chế trong vài lĩnh vực và các thủ tục chấp thuận đầu tư vẫn rất nặng nề. Việt Nam cần nhanh chóng tự do hoá cơ chế này. Thứ nhì, chúng tôi nhận thấy chính quyền có xu hướng ngăn cản nhập khẩu các mặt hàng « không thiết yếu », xin Việt Nam xác nhận những biện pháp này không phải là những rào cản phi thuế quan. Cuối cùng, như nêu lên trong Báo cáo của Văn phòng WTO, các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm 38% GDP và được hưởng chế độ ưu đãi để tiếp cận thị trường. Tái cơ cấu và tư nhân hoá các doanh nghiệp này sẽ giúp Việt Nam cải thiện hiệu năng, năng suất và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế.

Indonesia

Indonesia đánh giá cao quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Trong năm 2012, mậu dịch song phương đạt khoảng 4,87 tỉ USD, tăng 103% so với năm trước, xuất khẩu của Indonesia sang Việt Nam tăng 35,9% để đạt 2,27 tỉ USD trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 259% từ 0,72 tỉ USD năm 2008 lên 2,59 tỉ USD năm 2012. Qua đó có thể thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước rất vững mạnh. Tuy nhiên, Indonesia quan ngại một số biện pháp thương mại của Việt Nam đã ảnh hưởng xấu lên xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng tôi đã gửi nhiều câu hỏi cụ thể đến phái đoàn Việt Nam, xin nhắc lại ở đây vài điểm chính.

Nhiều nông sản Indonesia đã bị trả lại vì một quy định mới áp dụng từ 16.3.2011 về an toàn thực phẩm cho hàng nhập. Quy định này đã làm Indonesia mất thị phần trên thị trường nông sản Việt Nam. Nhân đây Indonesia yêu cầu Việt Nam dành một thời gian chuyển tiếp đủ dài trước khi một quy định mới có hiệu lực, và công bố những tiêu chuẩn và kết quả xét nghiệm. Một quan tâm khác là các dược phẩm của Indonesia phải theo những thủ tục và quy trình đăng ký rất dài dòng và rườm rà, tăng chi phí và làm trì trệ giao dịch nhập khẩu. Thủ tục đăng ký đòi hỏi từ 18 đến 24 tháng và thủ tục gia hạn 10 đến 15 tháng, và cũng không áp dụng giống nhau giữa các doanh nghiệp và các sản phẩm. Indonesia yêu cầu Việt Nam rút ngắn hoặc tối ưu hoá các thời hạn đăng ký và ấn định đồng nhất thời gian hiệu lực của giấy phép đăng ký dược phẩm.

Chúng tôi cũng quan ngại cách Việt Nam thi hành các điều tra chống bán phá giá (anti-dumping investigation) và điều tra tự vệ (safeguard investigation). Chúng tôi yêu cầu Việt Nam miễn trừ các sản phẩm Indonesia trong các điều tra chống bán phá giá nhắm thép cán nguội và điều tra tự vệ nhắm rau quả, vì lượng hàng Indonesia không đáng kể trong nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Chúng tôi cũng yêu cầu Việt Nam ghi nhận thái độ hợp tác tích cực của các nhà sản xuất Indonesia trong việc này.

Tân Tây Lan (New zealand)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại rất cao từ sau khi gia nhập WTO cho thấy Việt Nam đã khai thác được những cơ hội do quy chế thành viên mở ra. Quan hệ kinh tế giữa Tân Tây Lan và Việt Nam cũng đã phát triển trong cùng thời gian, mậu dịch hàng hoá và dịch vụ song phương tăng gấp đôi. Tân Tây Lan ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và vùngĐông Nam Á đối với các vấn đề kinh tế thương mại và hài lòng với việc bãi bỏ một số biện pháp đã ít nhiều cản trở xuất khẩu của Tân Tây Lan sang Việt Nam. Song chúng tôi có một số quan ngại, như đã nêu lên trong các câu hỏi đã gửi cho phiên họp TPR này, về một số chính sách và biện pháp cản trở các quan hệ song phương và trong khu vực.

Các hệ thống và quy trình luật pháp và chính sách của Việt Nam vẫn phức tạp, với 12 thứ bậc trong các văn kiện pháp luật và quy tắc. Có rất nhiều ngành, bộ, cơ quan tham gia soạn thảo và ban hành chính sách thương mại. Chúng tôi nhấn mạnh Việt Nam cần cố gắng cải tiến thật sự bộ máy hành chính trong thương mại, sáp nhập các cơ quan để đảm bảo các chính sách luật lệ được hiểu đúngđắn và áp dụng hài hoà. Chúng tôi cũngđề nghị bãi bỏ những đòi hỏi hành chính nặng nề không cần thiết và minh bạch hoá một số điểm quan trọng như việc thi hành luật về an toàn thực phẩm. Với những cơ chế phức tạp như thế, Việt Nam cần trong suốt hơn và thông tin chính xác đến các bạn hàng, như nghĩa vụ của Việt Nam ở WTO đòi hỏi. Tức là thông báo đầyđủ và đúng thời hạn lên WTO mọi chính sách mới hoặc đã thay đổi, cho phép các đối tác góp ý và tự chuẩn bị, và đệ trình mọi thông tin được quyđịnh trong Hiệp định về nông nghiệp và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, và các thông tin liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.

Tân Tây Lan quan tâm đến các chương trình hỗ trợ, kể cả cả trợ cấp của Việt Nam cho ngành cá, đặc biệt khả năng các trợ cấp này có thể thúc đẩy khai thác những trữ lượng cá đã bị khai thác quá mức. Chúng tôi cũng khuyến nghị Việt Nam đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định và dự đoán được để có thể tiếp tục thu hút FDI. Việt Nam nói chung đã áp dụng những nguyên tắc và cách vận hành của tự do hoá thương mại. Chúng tôi khuyến khích Việt Nam tiếp tục theo hướng đó mặc dù có thể gặp khó khăn.

Trung Quốc

Trái với các nước khác, Trung Quốc hoàn toàn không nói gì đến vai trò của mình trong kinh tế Việt Nam, không có một con số nào về thương mại và đầu tư, chỉ khen chung chung về quá trình phát triển của Việt Nam và nêu lên ba lĩnh vực có vấn đề, đã được phân tích trong Bản báo cáo của Văn phòng WTO.]

Chế độ đầu tư: phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, quy trình kéo dài và nặng nề cho việc chấp thuận đầu tư và thiết lập doanh nghiệp, thủ tục hành chính phức tạp, và các cơ quan hữu trách không áp dụngđồng bộ các luật lệ và quy tắc. Trung Quốc khuyến khích Việt Nam có những biện pháp tích cực hơn để tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư.

Chếđộ thuế quan : Việt Nam bảo lưu quyền áp thuế theo trọng lượng (specific duty) hoặc thuế hỗn hợp (composite duty) cho các hàng nhập « nhạy cảm »để bài trừ gian lận, nhưngđiều này cho tới nay chưa thấy cần thiết. Việt Nam cũng tăng một số thuếđể bảo vệ ngành nội địa. Trung Quốc khuyến nghị Việt Nam cân nhắc kỹ hơn cơ sở của các biện pháp này và tăng cường tự do hoá thương mại.

Trong suốt : Trung Quốc quan ngại hệ thống kiểm tra liên quan đến cấp giấy phép xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các cơ quan hữu trách không thông tin về các chương trình hỗ trợ sản xuất, những khoản ngân sách và chi phí dựa trên thuế trong khuôn khổ các chương trình này. Bản báo cáo của Văn phòng WTO cũng nêu lên là Việt Nam vẫn chưa nộp một số thông báo. Trung Quốc khuyến khích Việt Nam cố gắng nhiều hơn để minh bạch hoá các chính sách và biện pháp thương mại.

Liên hiệp châu Âu (EU)

Việt Nam có vai trò kinh tế và chính trị quan trọng trong ASEAN và châu Á và cũng là một đối tác ngày càng quan trọng của EU, hiện là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam và là đối tác thương mại song phương thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. EU coi trọng việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam, qua Hiệp ước đối tác và hợp tác đã ký kết và Hiệp ước tự do thương mại song phươngđã bắt đầu được đàm phán tháng 6.2012.

EU nhận thấy Việt Nam, sau những kết quả tốt vài năm đầu sau khi gia nhập WTO, bây giờ dường như thiếu sự mạnh mẽ cần thiết để tiếp tục kịp thời cải cách kinh tế. EU đặc biệt quan ngại ảnh hưởng vẫn rất sâu rộng của nhà nước trong nhiều lĩnh vực và sự gia tăng các rào cản thương mại. Xin nhấn mạnh các câu hỏi của chúng tôi bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Những vấn đề nêu lên, ở đây chỉ nhắc lại vài thí dụ, đã được các doanh nghiệp của EU xác nhận là cản trởthương mại.

Quan tâm của chúng tôi là các đối tác không được cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp được hưởng đặc lợi hayđộc quyền ở Việt Nam và cả trên những thị trường nước ngoài. EU hoàn toàn công nhận Việt Nam có quyền thành lập và duy trì doanh nghiệp nhà nước nhưng khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải cách khu vực quốc doanh.

Chúng tôi đặc biệt quan ngại những biện pháp hạn chế vẫn áp dụng trong ngành phân phối, đặc biệt cho rượu, hoá chất và dược phẩm. Các doanh nghiệp của EU muốn được giải thích về đạo luật mới của Việt Nam về sản xuất và buôn bán rượu, dường như giới hạn phạm vi hoạt động của các công ti đã có mặt ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng quan tâm đến những quy định của Việt Nam về hàm lượng nội địa (local content requirements) trong các gói thầu của nhà nước. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam thành quan sát viên của Hiệp định WTO về đấu thầu quốc gia nhưng mong thấy Việt Nam nỗ lực cải cách hơn để đáp ứng những quan ngại này.

Nhật Bản

Việt Nam là một giai thoại thành công (success story) có thể trở thành khuôn mẫu cho phát triển. Song đà tăng trưởng có chậm lại gần đây, một phần vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng cũng vì các cải cách cơ cấu bị khựng lại. Nhật Bản hi vọng Việt Nam sẽ cố gắng đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tiếp tục phát triển nhanh.

Chúng tôi muốn nêu lên 4 điểm : hệ thống pháp lý và sự vận hành của nó, vận tải, sở hữu tri thức và các biện pháp về truyền hình và kỹnghệ phim ảnh.

Thứ nhất, vai trò của luật lệ và của các quy định hành chính không được định nghĩa rõ ràng. Một số quyđịnh hành chính áp đặt những nghĩa vụ quá lớn lên các doanh nghiệp nước ngoài, thường không được chuẩn bị trước. Các chính sách và biện pháp mâu thuẫn nhau vì mỗi bộ ban hành pháp lệnh của mình mà không hội ý với các bộ liên quan. Cũng không có phối hợp giữa các chính quyền địa phương khi áp dụng chính sách. Một quy định có thể được áp dụng khác nhau từ vùng này sang vùng khác. Những vấn đề này phải được giải quyết.

Thứ nhì, theo Nghị định thư gia nhập, Việt Nam sẽ bãi bỏ hạn chếđầu tư nước ngoài trong một số dịch vụ vận tải từ tháng 1.2014 trở đi, 7 năm sau khi gia nhập WTO. Song Việt Nam dường như chưa quyết định gì cả và các nhà đầu tư nước ngoài không thể tính toán đầu tư vào những dịch vụ này. Nhật Bản hi vọng Việt Nam sẽ sớmđưa ra nhữngđiều lệ chi tiết.

Thứ ba, những thống kê về vi phạm quyền sở hữu tri thức trong Bản báo cáo của Văn phòng WTO là do chính quyền Việt Nam biên soạn trong thời gian xét duyệt. Nhật Bản khen ngợi các cố gắng của Việt Nam để bài trừ hàng giả mạo và hi vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực thông báo những vi phạm này.

Thứ tư, theo Luật điện ảnh, ít nhất 20% tổng số thời lượng phát sóng phải dành cho phim Việt Nam và các phim nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt cho các chương trình truyền hình trả tiền (pay-TV). Nhật Bản muốn biết rõ hơn các quy định này xuất phát từđâu và có thểđược nới lỏng hay không.

Hồng Kông

Hồng Kông và Việt Nam đã có từ lâu quan hệ kinh tế và thương mại mật thiết. Việt Nam là nguồn cung cấp gạo lớn thứ nhì của Hồng Kông trong năm 2012. Thương mại giữa hai bên phát triển mạnh trong những năm gần đây với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 31% cho hàng hoá và 16% cho dịch vụ từ 2008 đến 2012.

Chúng tôi tán thưởng những nỗ lực giảm thuế quan trên hàng nông nghiệp của Việt Nam và khuyến khích Việt Nam tiếp tục tự do hoá. Chúng tôi để ý Việt Nam chưa nộp cho WTO các thông báo về trợ cấp nông nghiệp và khuyến nghị Việt Nam nên làm việc này.

Chúng tôi cũng nhận xét việc đánh bắt cá quá mức (overfishing) và đánh cá với các công nghệ có sức tàn phá (destructive fishing) tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam và khuyến nghị Việt Nam xem xét hiệu quả của các lệnh cấm hiện hành và sự cần thiết ban hành luật lệ hay biện pháp mới về các phương tiện đánh bắt cá và hạn ngạch.

Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nhà nước vẫn là một đặc trưng cơ bản của kinh tế Việt Nam, với 38% GDP năm 2012. Mặc dầu đã được cải cách, các doanh nghiệp này vẫn chiếm gần một nửa tổng sản lượng của những hàng hoá và dịch vụ thiết yếu như năng lượng, viễn thông, vận tải đường biển, hàng không, ngân hàng và bảo hiểm. Việt Nam nên tiếp tục cải cách khu vực quốc doanh và mở rộng phạm vi cạnh tranh quốc tế. Việt Nam chưa nộp thông báo nào về doanh nghiệp nhà nước và chúng tôi khuyến nghị Việt Nam thi hành nghĩa vụ này của mình.

Liên quan đến quản trị, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, Việt Nam được xếp tươngđối thấp trong các so sánh quốc tế về chỉ số tham nhũng. Tệ nạn này phương hại đến đầu tư, phát triển và thương mại. Việt Nam đã có một khung pháp lý đầy đủ chống tham nhũng và cần đẩy mạnh bài trừ tham ô và cải thiện quản trị xí nghiệp. Canada.

Việc trở thành nước có thu nhập trung bình chứng minh khả năng thực hiện những thay đổi sâu sắc về chính sách và kinh tế nhưng cũng đặt Việt Nam vào thế phải tiếp tục điểu chỉnh để có thể cạnh tranh với những nước mới nổi mà Việt Nam đã gia nhập hàng ngũ. Xin nêu lên ba lĩnh vực chính trong đó, theo chúng tôi, Việt Nam cần tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Thứ nhất, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách hợp lý hoá và phối hợp các quy trình hành chính và pháp luật, kể cả giữa trung ương và các chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp thường phải đối đầu với những điều lệ và quy trình trái ngược nhau và áp dụng tuỳ tiện, nhất là ra khỏi các tỉnh lớn. Có nhất quán hơn giữa mọi cấp chính quyền và phạm vi thẩm quyền sẽ cho phép kinh doanh trong điều kiện ổn định và có thể dự đoán hơn. Một số chính sách và điều lệ có thể dẫn đến một chế độ hai bậc cho tiếp cận thị trường, các công ti địa phương được ưu đãi còn hàng nhập thì thua thiệt, do đó mang tính cách phân biệt đối xử và vi phạm luật WTO. Chẳng hạn các quy định về rượu áp đặt điều kiện hạn chế lên các nhà sản xuất quốc tế nhưng miễn trừ các nhà sản xuất nội địa. Việc phí thuê mỏ bất ngờ gia tăng cũng là một thí dụ trở ngại đối với đầu tư nước ngoài. Nếu phí thuê mỏ tăng vọt như Bộ tài chính đề nghị, các công ti Canada và của nước khác đầu tư khai thác tài nguyên ở Việt Nam có thể không triển khai được các dự án.

Thứ nhì, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách các dịch vụ tài chính và ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ vẫn tiếp tục thống trị nhiểu lĩnh vực công nghệ, làm sai lệch thị trường và gây bất lợi cho khu vực tư nhân. Thiếu thốn tín dụng và quyền sở hữu thái quá của nhà nước là những yếu tố cản trở sự tiến triển đến một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam. Ngành tài chính và các doanh nghiệp nhà nước phải là mục tiêu chính của những nỗ lực bài trừ tham nhũng. Theo những phân tích và nhận định tổ chức Transparency International thu thập được, các hiện tượng che giấu, tham nhũng và không minh bạch khá phổ biến ở Việt Nam. Một môi trường tài chính lành mạnh và một khu vực quốc doanh hợp lý hoá và cô đọng sẽ cho phép tối đa các doanh nghiệp địa phương và nước ngoài trở thành động cơ của phát triển.

Thứ ba, Canada khuyến khích Việt Nam hãy cho các nguyên tắc kinh tế thị trường có vai trò lớn hơn trong các chính sách thương mại và liên quan đến thương mại. Theo chúng tôi, những vấn đề hiện nay là do thiếu tham khảo ý kiến, trong và ngoài nước, khi soạn thảo các chính sách hơn là vì mâu thuẫn giữa các mục tiêu của chính quyền Việt Nam và các nguyên tắc kinh tế thị trường. Việt Nam nên chủ động hội ý nhiều hơn và sớm hơn với khu vực tư nhân trong nước và trao đổi kỹ thuật với các đối tác thương mại khi soạn thảo các chính sách và quy tắc.

Đúc kết của chủ toạ phiên họp TPR

Qua những thí dụ trên đây có thể tóm tắt những vấn đề bức bách nhất đối với các thành viên, như chủ toạ phiên họp đã đúc kết.

– Tính trong suốt của khung thể chế và quy tắc. Hệ thống pháp lý và quy tắc của Việt Nam vẫn phức tạp, cần phải cải tiến bằng đơn giản hoá, bãi bỏ những chức năng chồng chéo, và minh bạch hoá. Sự thiếu nhất quán của các luật lệ và quy tắc tự bản thân và trong thi hành gây nhiều khó khăn cho các nhà hoạt động kinh tế. Việt Nam cũng công nhận cần tích cực hơn trong bổn phận thông báo lên WTO và các thành viên đã ghi nhận yêu cầu giúp đỡ kỹ thuật của Việt Nam trong lĩnh vực này. Các thành viên khẳng định một chế độ đầu tư đơn giản hơn, ổn định hơn và dự đoán được là điều kiện thiết yếu để Việt Nam thu hút đầu tư.

– Các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Tuy Việt Nam đã có một số nỗ lực tự do hoá thương mại, nhiều vần đề còn tồn tại : thuế quan thay đổi thường xuyên; sai biệt giữa các mức thuế cam kết (bound duty rates) và thuế áp dụng (applied duty rates) bị lợi dụng để bảo hộ một số ngành; nông nghiệp và một số ngành được hưởng mức bảo hộ qua thuế quan tương đối cao. Các quan ngại khác nhắm các quyđịnh về cấp giấy phép nhập khẩu, xác định trị giá hải quan, phân loại mặt hàng nhập, ưu đãi thuế và trợ cấp, và hàm lượng nội địa trong các gói thầu quốc gia. Các thành viên cũng đặc biệt quan tâm đến các biện pháp ảnh hưởng lên một số mặt hàng như xe hơi, hoá chất, dược phẩm và rượu, và nhấn mạnh quyền sở hữu tri thức phải thật sựđược bảo vệ.

– Chuẩn kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (sanitary and phytosanitary measures – SPS). Việt Nam không tạo đủ cơ hội cho bình luận về các dự thảo quy định; các biện pháp, nhất là về an toàn thực phẩm, hạn chế thương mại quá mức cần thiết và không phù hợp với các chuẩn quốc tế. Các thành viên khuyến khích Việt Nam tuân hành những nghĩa vụ quốc tế của mình, kể cả trong khuôn khổ các hiệp định về rào cản kỹ thuật và biện pháp kiểm dịch động thực vật.

– Doanh nghiệp nhà nước và vai trò chủ chốt của nhà nước trong kinh tế. Việt Nam nhất thiết phải tiếp tục cải cách khu vực quốc doanh để tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên hữu quan. Do vị trí thống trị của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế, nhiều thành viên nhấn mạnh những bất cập trong lĩnh vực này có nguy cơ phương hại toàn bộ môi trường kinh doanh ở Việt Nam và qua đó cản trở sựphát triển kinh tế trong tương lai.

– Các vấn đề cục bộ : Các thành viên nhắc đến mức bảo hộ và trợ cấp khá cao dành cho một số hoạt động sản xuất và những biện pháp mới về phí khai thác mỏ, viễn thông, hàng không, ngành phân phối, truyền hình và phim ảnh. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh và Việt Nam hiện là một nước sản xuất và xuất khẩu quan trọng cho nhiều hàng nông nghiệp, nhưng các thành viên than phiền về sự thiếu thông tin từ chính phủ về các trợ cấp cho ngành này và quan ngại các trợ cấp cho ngành đánh cá có nguy cơ khiến các trữ lượng cá bị khai thác quá độ.

Nói chung các thành viên khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải cách cơ cấu và chính sách thương mại để cải tiến hiệu năng, năng suất và sức cạnh tranh, và duy trì một chế độ đầu tư và thương mại phù hợp với luật WTO để phát triển bền vững là phát huy mọi tiềm lực. Việt Nam nên tránh dùng những biện pháp hạn chế hay làm sai lệch mậu dịch để ủng hộ sản xuất nội địa.

Việt Nam nhìn từ ngoài WTO

Nhìn từ trong WTO, Việt Nam là một bức tranh hồng nhiều hơn xám, những chấm sáng là thành tựu của nền kinh tế thị trường và những chỗ tối chủ yếu là vì định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với các thành viên của WTO, một trong những thành trì của chủ nghĩa tư bản, Việt Nam là anh học trò giỏi đáng khuyến khích nhưng còn phải tiến bộ thêm để khỏi tiếp tục bị trừ điểm vì những yếu kém do đi ngược quy luật kinh tế thị trường. Tóm lại, rất đáng phấn khởi. Song, nhìn từ ngoài WTO, dưới mắt những người hoặc phải sống với thực tế Việt Nam hàng ngày trong nước hoặc định cư ở nước ngoài nhưng vẫn nghĩ và nói đến nó gần như mỗi ngày, bức tranh ảm đạm hơn nhiều thậm chí ngày càng xám xịt. Thực tế nằm ởđâu giữa hai bức tranh trái ngược này ?

Hồng và xám

Không thể phủ nhận hội nhập kinh tế thế giới, trong khuôn khổ WTO và các hiệp ước FTA song phương và khu vực Việt Nam đã ký kết hoặc còn đàm phán, đã cho phép những bước tiến nhảy vọt trong những thập niên vừa qua. Dù có thể dè dặt với các thống kê, nhất là của Việt Nam, song những con số, chủ yếu của các đối tác và các nguồn quốc tế, khẳng định một sự phát triển rõ rệt trên nhiều mặt. Ở đây chỉ có thể nêu lên vài thí dụ nhỏ nhưng cho thấy thực tếđa dạng của sự hội nhập đã thayđổi hình ảnh của Việt Nam trên thế giới.

Xử lý bưu phẩm Thuỵ Sĩ tại Việt Nam

Ngày 4.7 vừa qua, Bưu điện Thuỵ Sĩ thông báo hè năm nay bắt đầu thử đưa sang Việt Nam xử lý những tên và địa chỉ viết lem nhem khó đọc trên các thư từ, bưu kiện. Sau 5 tuần thử nghiệm, nếu kết quả tốt, dự án sẽ tiếp tục và khoảng 100 chỗ làm có thể bị cắt bỏ ở ba trung tâm phân phối bưu phẩm ở Thuỵ Sĩ. Tất nhiên quyết định thuê ngoài (outsourcing) này không phải vì người Việt tinh mắt hay kiên nhẫn hơn người Thuỵ Sĩ, mà vẫn chỉ là dịch vụ gia công giá rẻ cho một công việc tốn thì giờ, không có giá trị gia tăng và cũng không tự động hoá được. Dự án nhỏ như con thỏ, khiêm tốn như mẩu tin chỉ vài giòng trên báo, không tạo được bao nhiêu việc làm cho người Việt nhưng ít ra không gây tác hại môi trường.

Canada, nước xuất khẩu thịt heo thứ ba trên thế giới, nhắm thị trường thịt heo ở Việt Nam.

Đầu tháng 4 năm nay, Hiệp hội Thịt heo quốc tế Canada (Canada Pork International –CPI) đã gặp gỡ các nhà nhập khẩu, phân phối và chế biến thực phẩm Việt Nam tại Tp HCM. Ông Richard Bale, Tổng Lãnh sự Canada tại Tp HCM, tuyên bố : « Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho các sản phẩm của Canada như hải sản, ngũ cốc, dầu ăn, rau quả và thịt heo. Số lượng tiêu thụ thịt ở đây tăng nhanh vì giai cấp trung lưu ngày càng phát triển và cũng chuộng những mặt hàng cao cấp hơn. Ngoài ra còn có những quan ngại về sự an toàn của các thực phẩm nội địa bán ở chợ. » Ông cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam tăng trưởng mạnh trong ba năm gần đây, khoảng 20% mỗi năm, trong đó hơn 54% là nông sản với 353,6 triệu đô la Canada (268,6 triệu USD) trong năm 2015.

Thị trường nông sản hấp dẫn đối với 13 tiểu bang Hoa Kỳ

Cũng tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Thương mại nông nghiệp miền Tây Hoa Kỳ (Western United States Agricultural Trade Association –WUSATA) đến Việt Nam làm việc với Bộ Nông nghiệp –Phát triển nông thôn và Bộ Công thương để mở rộng thương mại và hợp tác giữa Việt Nam và 13 bang miền Tây trong bối cảnh Hiệp định TPP. Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản thứ 11 của Hoa Kỳ năm 2015 và đang tăng trưởng nhanh cho các nông sản giá trị cao của Hoa Kỳ. Hội đồng quản trị WUSATA cùng thành viên 13 Bộ Nông nghiệp các bang miền Tây đến Việt Nam để đón đầu những cơ hội mở rộng xuất khẩu sang Việt Nam khi Hiệp định TPP vận hành. WUSATA đã tổ chức các buổi gặp gỡ để giới thiệu sản phẩm, đồng thời tìm hiểu các cơ sở bán lẻ, bán sỉ và cảng Việt Nam. Ông Jim Cramer, đại diện bang Oregon, đặt nhiều kỳ vọng vào thị hiếu của giới trẻ Việt Nam và sự quan tâm của dân chúng về an toàn thực phẩm. Khoai tây từ Oregon được nhiều người Việt ưa chuộng vì xem như an toàn hơn từ Trung Quốc. Chỉ trong năm 2014, số lượng khoai tây chiên đông lạnh xuất từ Hoa Kỳsang Việt Namđã đạt 3,6 tỉ USD.

Kỳ vọng của Hàn Quốc

Việt Nam không chỉ là địa điểm đầu tư mà còn là thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng của Hàn Quốc, một điểm sáng trong một xu thế bất lợi của nước này. Các thống kê tháng 3.2016 cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc trên thế giới tiếp tục giảm liên tục từ 15 tháng, nhưng xuất khẩu sang Việt Nam lại tăng 13,5%, tỷ lệ cao nhất, hơn cả sang Liên hiệp châu Âu (+12,7%), trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 12,2% và sang Hoa Kỳ giảm 3,8%. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, được các nhà kinh tế Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng trước những mức tăng trưởng 6,2% năm 2016 và 6,3% năm 2017 Việt Nam sẽ đạt theo dự báo của Ngân hàng thế giới.

Quí nhân của Bénin và đào lộn hột

Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Centre – ITC) tại Geneva là cơ quan chung của WTO và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and Development –UNCTAD) có nhiệm vụ giúp doanh nghiệp các nước đang phát triển tiếp cận thị trường và tăng gia xuất khẩu. Trả lời phỏng vấn của báo LÉ’conomiste du Bénin tại Hội nghị bộ trưởng WTO tại Nairobi (Kenya) tháng 12.2015, bà Arancha Gonzalez, Giám đốc điều hành ITC và cựu chánh văn phòng của cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, đặt Việt Nam ngang hàng với Phần Lan như hai “quí nhân” góp phần phát triển thương mại của xứ châu Phi nhỏ bé này. Bà Gonzalez giải thích: nhờ sự môi giới của ITC, trước đó đã tài trợ để cải thiện sản xuất đào lộn hột, một mặt hàng quan trọngđối với Bénin, một phái đoàn Bénin đến thăm Việt Nam để chào hàng đã rất phấn khởi ra về với lời hứa Việt Nam sẽ đặt mua với tổng số 65 triệu USD trong năm 2016. Không những thế, Việt Nam còn sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và đầu tư vào giá trị gia tăng ở Bénin. Bà Gonzalez đề cao thành quả này như điển hình của mậu dịch giữa các nước thế giới thứ ba (South-South trade) và một sự hợp tác thuận lợi cho phát triển kinh tế giữa hai thành viên của cộng đồng nói tiếng Pháp (francophonie). Việt Nam bây giờ cũng oai đấy chứ!

Quả thật có sự tương phản rõ rệt giữa một “success story” được ca tụng hồ hởi ở WTO và hình ảnh, đối với người Việt mọi nơi, của một đất nước đầy rẫy tệ nạn, xã hội suy đổi, môi trường sống bị huỷ diệt, chính quyền hèn với giặc ác với dân. Việt Nam tươi tắn ở WTO một phần là vì trong một tổ chức chỉ có chức năng lo về thương mại, không ai lại “bất lịch sự”và lạc đề nói đến dân oan, … biển đảo, cá chết. Tham nhũng nếu có được nhắc đến cũng vẫn trong ngôn ngữ ngoại giao, không nói thẳng thủ phạm và trách nhiệm ởđâu. Mặt khác, giữa các bạn hàng khen nhau cũng là tự khen mình vì người bán thì có kẻ mua và sự năng động được đề cao của đối tác cũng có phần mình trong đó. Các khiếm khuyết bị phê bình vì lợi ích bị đụng chạm chứ không phải để lo lắng hộ cho người Việt Nam. Và tất nhiên có những tệ hại không hề được nhắc đến vì xuất phát từ chính các bạn hàng. Nếu TPR của Việt Nam tiến hành năm nay chứ không phải cách đây ba năm, có thể đảm bảo rằng Đài Loan sẽ không đả động gì đến Formosa và Vũng Áng khi khoe mình là một trong những nguồn đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam!

Thảm hoạ Vũng Áng là một tội ác tày trời không có gì có thể biện minh, một vùng đen kịt trong bức tranh Việt Nam đã rất tăm tối. Song chỉ nhìn dưới góc độ thuần tuý kinh tế thương mại cũng có thể nêu lên vài cái giá khác phải trả cho hội nhập và phát triển, tuy có thể hiểu được theo lô-gích kinh tế thị trường.

Mặt trái của hội nhập

Trong thế giới toàn cầu hoá, hội nhập là điều nhất thiết và cốt yếu. Không ai có thể hô hào trở lại thời kỳ bế quan toả cảng với những hậu quả của nó, nghèo đói và tụt hậu. Song cũng nhất thiết và cốt yếu như thế là hội nhập như thế nào và có lợi ích gì cho đất nước và người dân. Một trong những luận điểm của những người ủng hộ Việt Nam và Trung Quốc vào WTO là sự hội nhập sẽ góp phần dân chủ hoá hai nước có chế độ toàn trị này, vì sự giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với những hệ thống chính trị xã hội tự do hơn, thông thoáng hơn, sẽ thúc đẩy các đòi hỏi dân chủ và bắt buộc chính thể phải thay đổi để thích nghi, đặc biệt qua sự tuân thủ các điều khoản về quyền con người của công luật quốc tế. Tình hình dân chủ ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay ra sao sau nhiều năm hội nhập ai cũng rõ, xin miễn bàn.

Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam rập theo mô hình Trung Quốc: tận dụng lợi thế nhân công rẻ, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển dựa trên xuất khẩu. Lộ trình và kết quả hội nhập cũng giống nhau, dù tất nhiên ở mức độ khiêm tốn hơn cho Việt Nam: từ khi mở cửa và nhất là sau khi gia nhập WTO, tăng triển nhanh, kể cả trong những năm thế giới lâm vào khủng hoảng và đa số các nước bị suy thoái hay đình đốn. Và cũng như Trung Quốc, dựa vào nhân công rẻ thì dễ bị kết án bán phá giá và xuất khẩu càng thành công càng dễ bị các nhà sản xuất trong nước nhập khẩu làm áp lực đòi hỏi chính quyền họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (trade defence). Cho đến tháng 4.2016 Việt Nam đã là đối tượng của 64 vụ điều tra chống bán phá giá của các nước khác. Con số các vụ điều tra nhắm các mặt hàng Việt Nam tăng nhiều trong những năm gần đây và có khuynh hướng sẽ còn gia tăng với những hiệp ước FTA do Việt Nam ký kết, gồm các điều khoản dựa theo Hiệp định WTO về chống bán phá giá. Tuy theo Ngân hàng Thế giới và nhiều chuyên gia khác, Việt Nam sẽ là nước được hưởng nhiều lợi nhất do hiệp ước TPP mang lại, nhưng nếu hiệp ước này được thi hành, cũng sẽ phải đối đầu với nhiều mâu thuẫn và tranh chấp hơn vì sự cạnh tranh cũng quyết liệt hơn, ngay cả trong nội bộ các khối TPP và ASEAN.

Bán phá giá là cạnh tranh bất chính và áp thuế chống bán phá giá thường là biện pháp chính của các nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ, để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự xâm nhập thị trường ồ ạt của các nước mới nổi, nhất là Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các nước đang phát triển và nước mới nổi cũng tích cực áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với nước khác. Một điểm đáng để ý là trong hơn 1 năm vừa qua, từ tháng 5.2015 đến tháng 8.2016, 14 trên 17 điều tra chống bán phá giá nhắm Việt Nam xuất phát từ các nước đang phát triển hoặc mới nổi như Argentina (1), Ấn Độ (4), Thái Lan (3), Indonesia (1), Mã Lai (2), và Thổ Nhĩ Kỳ(3). Chỉ có 3 điều tra là do hai nước phát triển, Hoa Kỳ (1) và Úc (2), khởi xướng. Mặt khác, 6 trên 8 nước này là các bạn hàng của Việt Nam ở châu Á, cho thấy Việt Nam hiện là đối thủ cạnh tranh của những nước cùng khu vực và cùng thuộc vào nhóm có thu nhập trung bình. Các mặt hàng bị điều tra cũng đa dạng: gạch ốp lát, vôi sống, ống thép không gỉ, thép cuộn, tôn lạnh, tôn phủ màu, sợi polyester, thước dây, gỗ dán, đá granite, nhôm ép, săm lốp xe đạp, v.v.

Trợ cấp của chính phủ cho ngành sản xuất cũng đi ngược luật WTO vì làm sai lệch sự cạnh tranh, và biện pháp phòng vệ là áp dụng thuế đối kháng (countervailing duty). Cho tới nay Việt Nam

mới chỉ chịu 7 điều tra chống trợ cấp, tất cả do các nước phát triển khởi xướng: Canada (1), Liên hiệp châu Âu (1) và Hoa Kỳ (5, trong đó có 3 vụ kèm theo điều tra chống bán phá giá). Biện pháp phòng vệ thứ ba được luật WTO cho phép là biện pháp tự vệ (safeguard) có thể áp dụng khi lượng nhập khẩu một mặt hàng tăng vọt và đột ngột có thể phương hại đến ngành sản xuất nội địa. Biện pháp này không nhắm đích danh một công ti (như chống phá giá) hoặc một nước xuất khẩu (chống trợ cấp) mà áp dụng cho tất cả mọi nguồn nhập khẩu, không phân biệt. Cho tới nay, Việt Nam chỉ bị liên can đến 8 vụ điều tra tự vệ do 4 nước phát động: Ấn Độ (3), Thổ Nhĩ Kỳ(3), Indonesia (1) và Colombia (1).

So sánh các con số 7 điều tra chống trợ cấp và 8 điều tra tự vệ với con số 66 điều tra chống bán phá giá có thể kết luận là Việt Nam ít hỗ trợ trực tiếp các ngành sản xuất của mình và phát triển xuất khẩu vẫn dựa vào “bí quyết”cố hữu của Trung quốc: dìm giá bằng mọi cách để chiếm thị trường. Hậu quả là thực trạng “ đồng lương khốn khổ, sức khỏe cạn kiệt”cùa công nhân Việt Nam như báo Lao Động đã báo động cách đây mấy năm: “Cứ 10 công nhân làm việc tại các KCX –KCN trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh thì có 3 người suy dinh dưỡng. Trong đó, có 20% số công nhân bị thiếu máu và trên 70% bị thiếu iốt, thiếu vitamin nhóm B. Đó là kết quả sau 2 năm khảo sát về dinh dưỡng bữa ăn của 1.000 công nhân do Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh thực hiện.”Một cái giá có thể giải thích qua cạnh tranh nhưng vẫn hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Những cái giá phảỉ trả càng nặng nề khi các ngành sản xuất còn quá non kém, thiếu phương tiện đối phó trong bối cảnh tăng cường hội nhập. Việt Nam hiện tham gia 16 FTA và đang bắt đầu đàm phán FTA thứ 17 với Cuba nhưng kết quả một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghệ cho thấy rất ít các doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết về các hiệp ước này. Qua các câu trả lời về những cơ hội và thách thức hiệp ước TPP đặt ra cho xuất nhập khẩu của Việt Nam, 91% các doanh nghiệp nói chung biết rất ít về TPP, 20% chưa hề nghe nói đến TPP, 45% có nghe nói đến nhưng không hiểu rõ là gì và chỉ 25% là đã có tìm hiểu ít nhiều về TPP. Việt Nam đã lập những cổng thông tin dồi dào, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hiểu biết về những vấn đề pháp lý của hội nhập và mạnh dạn bảo vệ quyền lợi, và cũng bắt đầu phản công dùng biện pháp phòng vệ, nhưng hãy còn rất ít. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam mới chỉ tiến hành 2 điều tra chống bán phá giá: ngày 2.7.2013, nhắm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, và gần đây hơn, ngày 7.3.2016, nhắm thép mạ nhập từ Trung Quốc, gồm Hồng Kông, và Hàn Quốc. Chưa có điều tra chống trợ cấp và cũng chỉ có 5 điều tra tự vệ, từ tháng 7.2009 đến tháng 7.2016, nhắm tôn màu, phôi thép, bột ngọt, dầu thực vật và kính nổi.

Một trong những quyền lợi chính của quy chế thành viên là có thể kiện trước WTO. Những đối tác có chính sách hay biện pháp tổn hại đến lợi ích của mình, và tham gia với tư cách đệ tam nhân những vụ kiện về những vấn đề mình quan tâm. Việt Nam đã tham gia một số vụ kiện nhưđệ tam nhân nhưng cũng chỉ mới khởi tố ba vụ kiện với tư cách nguyên đơn : DS 404, tháng 4.2010, phản đối các biện pháp chống bán phá giá Hoa Kỳ áp đặt lên tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam; DS 429, tháng 1.2013, phản đối phương pháp Hoa Kỳ ấn định thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam; và gần đây nhất, DS 496, tháng 12.2015, phản đối các biện pháp tự vệ Indonesia áp đặt lên một số mặt hàng sắt thép. Vụ kiện Indonesia hãy còn đang xét xử. Trong vụ tôm, Việt Nam nói chung thắng kiện vì những điểm khiếu kiện đã được các bộ phận giải quyết tranh chấp của WTO khằng định là vi phạm luật WTO trong nhiều vụ kiện trước đây của các nước khác về chính sách chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ thoả thuận ấn định cho đến ngày 22.7.2016 thời hạn để Hoa Kỳ thi hành các phán quyết của WTO và ngày 18.7 vừa qua hai bên đã thông báo Cơ quan giải quyết tranh chấp là đã đạt được giải pháp thống nhất về vấn đề này.

Hai thực tế một câu trả lời

Dưới mắt quốc tế giai thoại thành công của Việt Nam trong hội nhập là một thực tế hiển nhiên. Song bức tranh Việt Nam thật đen tối đối với người Việt mọi nơi cũng là một thực tế không thể chối cãi. Việt Nam, trong top 30 của WTO, với những con số đầu tư và xuất khẩu hàng triệu, hàng tỉ USD, những thống kê chính thức tuyên bố đã đạt những mức xoá đói giảm nghèo đáng cổ vũ. Những tỉ đô la ấy đi về đâu khi vẫn còn những trẻ em áo rách đi chân không trong gió lạnh đến trường ở các vùng núi cao, vẫn còn những cụ già ước ao được ăn một bữa cơm thật no trước khi chết? Những thành quả đã nêu trên cho thấy Việt Nam thật sự có khả

năng phát triển và đạt được mục tiêu vươn lên thành một trong 5 nước đứng đầu ASEAN năm 2025 nhưng sao người Việt vẫn thấy đất nước mình nghèo đói, tụt hậu và tương lai vô vọng? Một phần câu trả lời là các con số này: theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (International Migration Organization – IMO), có 2.558.678 người Việt Nam định cư ở nước ngoài năm 2015. Như vậy, so với con số khoảng 1,3 triệu người di cư năm 1990, sau 25 năm đã có thêm 1,2 triệu người ra đi, tính trung bình mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt đến định cư ở nước ngoài. Điều đáng nói là trong con số trên 2,5 triệu người di cư năm 2015, có 17 662 trường hợp định cư bằng tiền đầu tư, tăng hơn gấp đôi so với 6 418 trường hợp năm 2014. Khi biết rằng để có thẻ xanh ở Hoa Kỳ chẳng hạn, phải đầu tư từ 500 ngàn đến 1 triệu USD, có thể hiểu được nhận xét trên blog Người Việt ở Hoa Kỳ “trong vòng 5 năm (20082013), số tiền từ Việt Nam “đội nón” ra đi là 33 tỷ Mỹ kim. Trong đó có tiền đầu tư để được định cư ở nước ngoài và tiền cho du học sinh một đi không trở lại. » Cũng theo blog này, chương trình đầu tư EB-5 để nhận thẻ xanh ở Hoa Kỳ qui định chỉ cần chứng minh nguồn vốn hợp pháp nhưng không phân biệt là tiền đầu tư của cá nhân hay nhà nước nên phải tính đến tiền đầu tư của công ti nhà nước do các quan chức tận dụng để tháo chạy sang Hoa Kỳ. Những số tiển khổng lồ chảy ra ngoài Việt Nam, nguồn gốc của chúng và nguyên do của sự tháo chạy này đủ để giải thích phần nào thực tế nằm giữa hai bức tranh trái ngược đã nêu trên.

Như theo chủ đề của hội thảo, để phát triển, Việt Nam cần cải cách toàn diện. Toàn diện cũng có nghĩa là triệt để, kể cả thay đổi thể chế và truất phế những người tham ô gian ác đục khoét tài sản quốc gia. Việt Nam không thiếu nhân tài, vận mệnh đất nước phải được giao phó cho những người vửa có tâm vừa có tầm, trong sạch và dũng cảm…

Lời nói cuối cùng vẫn thuộc về người trong nước.

Đỗ Tuyết Khanh

20.8.2016

CHÚ THÍCH:

1 Ghi chú: trong bài này, chỉ nói đến xuất và nhập khẩu hàng hoá, Việt Nam chưa có vai trò đáng kể về xuất nhập khẩu dịch vụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo mạng Lao Động, Công nhân suy dinh dưỡng, 23.12.21011, http://tamlongvang.laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/cong-nhansuy-dinh-duong-1786.bld

Blog Người Việt, Ôm tiền ra ngoại quốc, cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam, 31.7.2016, http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/om-tien-ra-ngoai-quoc-cuocthao-chay-moi-o-viet-nam/

Cổng thông tin của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) http://www.trungtamwto.vn/

Cổng thông tin của Bộ Công thương, Cục quản lý cạnh tranh, http://www.vca.gov.vn/ LÉ’conomiste du Bénin, Finlande et Vietnam : deux cercles vertueux pour le commerce béninois, 13.1.2016

Vietnam Finance, Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài,

http://vietnamfinance.vn/tai-chinh-quoc-te/moi-nam-gan-100nghin-nguoi-viet-di-cu-ra-nuoc-ngoai-20160722095009241.htm

WTO, International Trade Statistics, 2008, 2009, 2010, 1014, 2015

WTO, The Legal Texts, The Results of the Uruguay Round of Multilateral Trade Negotiations, Cambridge University Press, 1999

WTO, Trade Policy Review, Report by Viet Nam, WT/TPR/G/287, 13.8.2013

WTO, Trade Policy Review, Report by the Secretariat, Viet Nam, Revision, WT/TPR/S/287/Rev.1, 4.11.2013

WTO, Trade Policy Review, Viet Nam, Minutes of the meeting, WT/TPR/M/287, 5.11.2013

WTO, Trade Policy Review, Viet Nam, Minutes of the meeting, Addendum, WT/TPR/M/287/Add.1, 12.11.2013

WTO, World Trade Statistical Review 2016

Và các bản tin báo chí và trang mạng Business Mirror, Le Temps, Nikkei, Saigon Times, Thanh Niên News, The Wall Street Journal Asia, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Việt Nam News, v.v.

ĐỌC THÊM:

Huỳnh Thế Du, 10 năm WTO: thua trên sân nhà, 23-4.2016 http://www.thesaigontimes.vn/145257/10-nam-WTO-thua-trensan-nha.html

Phạm Nam Kim, Thayđổi cần thiết cho hội nhập kinh tế quốc tế, trang mạng của Diễn Đàn, http://www.diendan.org/viet-nam/hoinhap-quoc-te-co-hoi-va-thach-thuc-bai-3

Phạm VânThành, Các quyđịnh đối với nền kinh tế phi thị trường và sự tác độngđến các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, trang mạng của Bộ Công thương, Cục quản lý cạnh tranh, http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=3210&CateID=372.

SOURCE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI SỐ 35, THÁNG 9/2016

Trích dẫn từ: http://www.tapchithoidai.org/

ĐỌC ĐẦY ĐỦ BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

BÀI VIẾT ĐƯỢC ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA  GIÁO SƯ TRẦN HỮU DŨNG – QUẢN TRỊ TRANG TAPCHITHOIDAI.ORG, ĐỀ NGHỊ CÁC BẠN CHỈ ĐỌC THAM KHẢO  VÀ KHÔNG CHÉP LẠI BÀI VIẾT ĐỂ ĐĂNG LẠI NƠI KHÁC VỚI BẤT CỨ MỤC ĐÍCH GÌ.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading