admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG NHẬN NUÔI CON NUÔI THỰC TẾ, SAO KHÔNG?

THỤY CHẤU

Gần đây, các cơ quan công chứng tại TP.HCM rất “khó xử” khi tiếp nhận các yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế do cha mẹ nuôi chết để lại. Đó là những trường hợp đã được nhận làm con nuôi từ trước giải phóng nhưng không lập thủ tục nhận con nuôi.

Công chứng viên bối rối

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Sang thuộc một trong số các trường hợp éo le trên. Trước đây, ông được bà X. nhận làm con nuôi. Năm 2002, bà X. mua một căn nhà tại khu Văn Thánh Bắc (phường 25, quận Bình Thạnh) và đến năm 2007 thì bà qua đời.

Sinh thời, bà X. sống độc thân, không chồng con, không anh chị em và chỉ có nghệ sĩ Thanh Sang là người thân duy nhất. Khi nghệ sĩ nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế, phòng công chứng nọ đã không biết giải quyết sao vì trước đây bà X. không làm thủ tục nhận ông làm con nuôi.

Nghệ sĩ Thanh Sang đã phải xuất trình các bản hộ khẩu có được từ năm 1989 đến thời điểm mẹ nuôi mất, trong đó ghi rõ hai bên là mẹ – con nuôi. Tháng 4-2008, nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh (như NSND Thanh Tòng, các NSƯT Thanh Điền, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…) cùng ký giấy xác nhận bà X. là mẹ nuôi của nghệ sĩ Thanh Sang từ trước giải phóng. Tiếp đó, Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM, UBND phường 25 (quận Bình Thạnh) cũng đóng dấu xác nhận quan hệ mẹ – con nuôi giữa bà X. và nghệ sĩ Thanh Sang.

Ấy vậy, hồ sơ khai nhận nêu trên cũng phải mất hơn một năm trời “loanh quanh” mới được công chứng. Cách đây chừng một tháng, nghệ sĩ Thanh Sang mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi được UBND quận Bình Thạnh cấp “giấy hồng” cho căn nhà được thừa kế nêu trên.

Cơ quan cấp giấy băn khoăn

Tương tự, ông Phan M. (phường 17, quận Phú Nhuận) cũng được mẹ nuôi để lại một căn nhà thừa kế. Người mẹ nuôi ấy đã nhận ông làm con nuôi từ năm 1962 nhưng không làm giấy tờ gì. Quan hệ mẹ nuôi – con nuôi của họ chỉ được thể hiện trong sổ hộ khẩu và được bà con chòm xóm ký xác nhận. Nếu việc thừa kế nhà của nghệ sĩ Thanh Sang gặp khó ở giai đoạn đầu (công chứng) thì ông M. lại bị “mắc kẹt” ở giai đoạn sau (cấp “giấy hồng”).

Tháng 5-2008, căn cứ vào các giấy tờ nêu trên, Phòng Công chứng số 1 đã giải quyết cho ông M. được khai nhận di sản thừa kế. Chừng mang hồ sơ qua UBND quận Phú Nhuận thì ông liên tục nhận được những cái lắc đầu. Thì ra trước đây ông M. từng xin cấp giấy chứng nhận nhưng bị quận từ chối vì không có cơ sở chứng minh ông là con nuôi của người chủ sở hữu đã chết. Nay khi nhìn thấy văn bản khai nhận di sản của ông được Phòng Công chứng số 1 chứng nhận, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận đã đề nghị Sở Tư pháp và Sở Xây dựng TP.HCM thẩm định xem việc công chứng như thế có đúng không…

Tháng 8-2008, nhắc lại quan điểm đã nêu từ đầu năm 2008, Sở Xây dựng cho rằng nếu ông M. không có giấy tờ hộ tịch chứng minh là con nuôi hợp pháp của người chết thì cơ quan thẩm quyền không thể cấp “giấy hồng” cho ông. Bấy giờ, do không có người thừa kế nên căn nhà sẽ thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, ý kiến này đã không được Sở Tư pháp tán thành vì “Phòng Công chứng số 1 đã làm đúng quy định của Nghị quyết 01 năm 1988 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao”. Cụ thể, theo nghị quyết này, mặc dù việc nuôi con nuôi chưa ghi vào sổ hộ tịch nhưng đã được mọi người công nhận, cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì vẫn phát sinh hậu quả pháp lý.

Sau cùng, UBND quận Phú Nhuận cũng đồng ý cấp “giấy hồng” cho ông M.

Nên công nhận con nuôi thực tế

Luật Hôn nhân và gia đình trước nay đều quy định việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan hành chính công nhận (hoặc đăng ký) và ghi vào sổ hộ tịch. Nhưng vì không hiểu biết pháp luật kèm theo suy nghĩ đơn giản “miễn thực sự thương yêu và có trách nhiệm với nhau là đủ rồi”, nhiều người cứ nhận nuôi con nuôi mà không thực hiện các thủ tục luật định. Trừ những trường hợp mới phát sinh sau này nên có thể dễ dàng hợp lý hóa thì đối với những quan hệ đã được thiết lập từ trước giải phóng phải xử lý sao để cả cha mẹ nuôi lẫn con nuôi đều không bị thiệt vì không được hưởng di sản của nhau theo luật định?

Đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn trước ngày 1-1-1987, Nghị quyết 35 năm 2000 của Quốc hội cũng đã chính thức thừa nhận các bên là vợ chồng, nói cách khác là có quan hệ hôn nhân thực tế. Vậy tại sao pháp luật không chính thức thừa nhận quan hệ con nuôi thực tế?

Được biết, riêng đối với vấn đề nuôi con nuôi thực tế, tức là nuôi con nuôi chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết riêng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành.

Ông Mai Lương Khôi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:

Đang chờ Bộ Tư pháp hướng dẫn

Tại TP.HCM có nhiều yêu cầu khai nhận và đăng ký di sản thừa kế của những người là cha – mẹ – con nuôi gây lúng túng cho cơ quan công chứng và cấp giấy. Do trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp nên nhiều trường hợp nuôi con nuôi không có giấy xác nhận của cơ quan thẩm quyền.

Nhằm tránh gây ách tắc cho người dân, Sở Tư pháp TP.HCM đã nhiều lần xin hướng dẫn của Bộ Tư pháp nhưng chưa thấy hồi âm.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=246941

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading