admin@phapluatdansu.edu.vn

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI SẮP ĐƯỢC MUA NHÀ Ở

TUẤN KHÔI

Sắp tới, người nước ngoài đầu tư, làm việc tại Việt Nam sẽ được sở hữu nhà theo quy định. Trong ảnh: Cô giáo nước ngpoài đưa các học sinh tham quan thành phố. Ảnh: HTD

Người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 70 năm. Hiện có 25.000 người nước ngoài đầu tư, trên 54.000 người đang làm việc… tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chính sách thí điểm người nước ngoài được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Nếu đề án được thông qua, người nước ngoài sẽ được quyền mua và sở hữu nhà tại Việt Nam thay vì chỉ được thuê như hiện nay.

Cho mua nhà: Thu hút nhiều nhà đầu tư hơn

Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, hiện pháp luật chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở quy định tổ chức nước ngoài được quyền thuê đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua. Nếu tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất thuê, nếu xây dựng nhà ở để bán thì nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua. Tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam từ ba tháng liên tục trở lên thì được thuê nhà ở tại Việt Nam. Riêng những người nước ngoài khác (tham gia các dự án đầu tư, nhà khoa học, người có công với cách mạng, các chuyên gia được mời vào Việt Nam làm việc…) thì Luật Nhà ở chưa cho phép họ được sở hữu nhà ở.

HTD

Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế thí điểm cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh sống và làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó góp phần thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Mỗi cá nhân chỉ được mua một căn nhà

Theo đề án của Bộ Xây dựng, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua nhà ở nếu đủ điều kiện (xem bảng). Việc mua nhà phải nhằm mục đích để bản thân và gia đình ở chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 70 năm. Quá thời hạn này mà không được phép gia hạn thì phải bán hoặc tặng cho nhà ở cho người khác.

Người nước ngoài được sở hữu một nhà ở trong thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam và chỉ được bán sau một năm kể từ khi được cấp “giấy hồng”. Họ cũng sẽ được ủy quyền cho người khác quản lý nhà, được thế chấp nhà ở, được để thừa kế và được bồi thường khi giải tỏa nhà. Người nước ngoài không được sở hữu nhiều nhà ở trong thời gian cư trú tại Việt Nam. Trường hợp đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế hoặc tặng cho nhà ở khác thì họ chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Cũng theo đề án này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được mua và sở hữu một hoặc một số nhà ở để cho những người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó thuê để ở. Các doanh nghiệp này không được mua nhà ở để bán lại hoặc cho những người nước ngoài khác ngoài doanh nghiệp thuê.

Bộ Xây dựng kiến nghị chỉ áp dụng cơ chế thí điểm này tại TP.HCM và Hà Nội, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc. Sau khi cơ quan có thẩm quyền thông qua đề án, Thủ tướng có thể quyết định một số địa phương có nhiều dự án đầu tư nước ngoài được thực hiện cơ chế này. Sau 3-5 năm thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và đề nghị cho phép áp dụng rộng hơn. Trường hợp không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa thì người đã mua nhà ở vẫn được thực hiện các quyền chủ sở hữu đến hết thời hạn được sở hữu nhà ở theo quy định.

Sáu đối tượng dự kiến được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là:

– Người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư.

– Người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được tặng bằng khen từ cấp bộ trở lên.

– Nhà văn hóa, nhà khoa học.

– Người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam.

– Người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự.

– Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam (doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh).

Những tổ chức, cá nhân trên phải được phép cư trú, hoạt động tại Việt Nam từ một năm liên tục trở lên.

——————————-

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading