admin@phapluatdansu.edu.vn

NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NGHỊ QUYẾT SỐ 19/2008/QH12 NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 2008 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI MUA VÀ SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT – BỘ TƯ PHÁP

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhà ở không chỉ là tài sản lớn của mỗi cá nhân, hộ gia đình, nhà ở cũng được coi là điều kiện cần thiết đứng thứ ba sau ăn và mặc để giúp con người có thể yên tâm tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đối với người nước ngoài có nhu cầu vào đầu tư làm ăn, học tập và sinh sống tại Việt Nam thì vấn đề nhà ở cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ khi vào Việt Nam. Hiện nay, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc và sinh sống ngày càng nhiều thông qua nhiều con đường khác nhau như: làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán), trong các tổ chức quốc tế của nước ngoài như UNDP, UNICEF, WHO, WB…, thông qua các dự án đầu tư, hợp tác khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá thể thao… Đặc biệt, sau khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), số lượng người nước ngoài vào Việt Nam càng nhiều hơn thì vấn đề nhà ở cho người nước ngoài cũng cần phải được quan tâm giải quyết thoả đáng.

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về nhà ở có liên quan đến người nước ngoài như Luật đất đai năm 2003, Luật nhà ở năm 2005, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006…Các chính sách này đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từng bước tạo điều kiện để người nước ngoài được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề mà người nước ngoài quan tâm là quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của chính bản thân họ thì pháp luật lại chưa có quy định.

Qua nghiên cứu các chính sách về nhà ở mà Nhà nước ta đã ban hành trong thời gian vừa qua cho thấy, hiện nay pháp luật mới chỉ quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư kinh doanh bất động sản theo các dự án, trong đó có đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, còn vấn đề sở hữu nhà ở của các cá nhân nước ngoài như: các nhà ngoại giao, các nhà khoa học, các chuyên gia, các kỹ sư nước ngoài có tay nghề cao được mời vào Việt Nam làm việc hoặc những người đang làm việc tại một số tổ chức quốc tế có nhiều đóng góp cho Việt Nam như UNDP, WHO, UNICEF…và các tổ chức nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản thì chưa được đề cập. Do vậy, chưa khuyến khích được nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia giỏi, những người có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/2008/QH12 CỦA QUỐC HỘI

Như chúng ta đã biết, để thúc đẩy kinh tế phát triển thì bên cạnh việc phát huy nội lực, vấn đề kêu gọi đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là một chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Phát triển kinh tế không chỉ cần vốn mà còn cả các yếu tố khác như công nghệ, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm điều hành quản lý. Do vậy, việc ban hành các chính sách để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hết sức cần thiết. Đối với lĩnh vực nhà ở, do là yếu tố tác động trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người nước ngoài nên việc đặt vấn đề cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm góp phần khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện để họ yên tâm khi đến Việt Nam học tập, làm việc lại càng cần thiết. Có thể nêu ra một số nội dung sau đây:

1. Về tình hình người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, với chính sách đa phương hoá, Nhà nước Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới thì nước ta đã là điểm đến của nhiều người nước ngoài, không chỉ là việc các nước mở Đại sứ quán, Lãnh sự quán để tăng cường hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam mà còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao dục, văn hoá, khoa học – kỹ thuật…Xu hướng này đã tạo thành bức tranh đa dạng, phong phú về tình hình người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Theo thống kê từ năm 2004 đến hết năm 2007 đã có khoảng hơn 80.000 người vào Việt Nam làm ăn, học tập và sinh sống, trong đó có khoảng gần 25.000 người vào Việt Nam làm ăn theo con đường hợp tác đầu tư, khoảng 1.600 người vào Việt Nam làm việc cho các Cơ quan đại diện nước ngoài, các Tổ chức quốc tế và hơn 54.000 người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá thể thao, kinh tế. Tính đến hết năm 2007 đã có hơn 60 Đại sứ quán và hơn 30 Tổng Lãnh sự quán có trụ sở tại Việt Nam, trong số khoảng 1.600 người nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực ngoại giao tại Việt Nam thì có khoảng gần 1.400 người làm việc cho các Đại sứ quán và hơn 200 người đang làm việc trong các Lãnh sự quán. Ngoài số lượng nêu trên thì còn có khoảng hơn 30 người nước ngoài đang làm việc cho 16 Tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm Tổ chức của Liên Hiệp quốc như UNICEF, UNPA, UNDP…, các Tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng Châu á ADB, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF…).

Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tính từ năm 1988 đến hết năm 2007 cả nước có khoảng 9.500 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 98 tỷ đô la Mỹ, trong đó dự án 100% vốn nước ngoài chiếm lớn nhất, khoảng hơn 6.000 dự án, tiếp đến là dự án liên doanh khoảng hơn 2.000 dự án, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh khoảng hơn 200 dự án và còn lại là các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BTO, hình thức cổ phần. Các địa phương có nhiều dự án đầu tư nước ngoài là Tp Hồ Chí Minh có hơn 2.000 dự án với khoảng gần 16 tỷ USD, tiếp đến là Tp Hà Nội có khoảng 800 dự án với hơn 10 tỷ USD, Đồng Nai có khoảng 800 dự án với hơn 9 tỷ USD USD, Bình Dương có hơn 1200 dự án đầu tư với hơn 6 tỷ USD…Hiện nay có khoảng 25.000 người vào Việt Nam đầu tư theo các dự án thì chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Tp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…Tuy nhiên, điều kiện ăn ở của người nước ngoài là chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tế, có rất nhiều trường hợp người nước ngoài làm việc tại một số tỉnh lân cận của 02 thành phố là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã thuê nhà ở tại 02 thành phố này để bảo đảm thuận tiện và an toàn trong sinh hoạt.

Ngoài số lượng người nước ngoài đang làm việc trong các Cơ quan Đại diện nước ngoài, các Tổ chức quốc tế và tham gia vào các dự án đầu tư, còn có khoảng hơn 54.000 người nước ngoài khác đang làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá thể thao, khoa học – công nghệ, kinh tế, các học sinh, sinh viên đang học tập tại Việt Nam. Như vậy có thể nói rằng, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngày càng nhiều hơn và trong thời gian tới, chắc chắn số lượng này sẽ tăng lên. Để người nước ngoài có thể yên tâm sinh sống, làm việc và đóng góp cho đất nước thì việc nghiên cứu để có chính sách nhà ở phù hợp cho các đối tượng này là hết sức cần thiết.

2. Về tình hình thuê nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam

Do pháp luật Việt nam chưa cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, vì vậy người nước ngoài đều phải đi thuê nhà để ở. Vì thời gian lưu trú, điều kiện tài chính khác nhau nên hình thức thuê nhà ở của người nước ngoài cũng rất đa dạng. Ngoài việc thuê các căn hộ cao cấp do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng (tại Hà Nội có khoảng 1.300 căn hộ, tương ứng với hơn 220.000 m2 sàn, tại Tp Hồ Chí Minh có khoảng 4.000 căn hộ, tương ứng với hơn 660.000 m2 sàn) thì người nước ngoài còn thuê các loại nhà biệt thự, nhà riêng lẻ trong các khu phố cũ, căn hộ trong các khu đô thị mới…

Giá cho thuê nhà ở của người nước ngoài cũng theo quy luật cung cầu và tuỳ thuộc vào tiện nghi, diện tích, địa điểm khác nhau. Giá thuê các căn hộ trung bình có vị trí gần trung tâm tại Tp Hà Nội khoảng từ 700 USD – 1.000 USD/căn/tháng, tại Tp Hồ Chí Minh từ 1.000 USD – 1.500 USD/căn/tháng. Giá thuê các căn hộ cao cấp tại các khu vực trung tâm 2 Thành phố khoảng từ 2.000 USD – 3.000 USD/căn/tháng. Có những đối tượng có điều kiện tài chính như các Đại sứ, các Đại diện của các Tập đoàn, công ty lớn thuê các biệt thự, căn hộ loại đặc biệt có giá thuê từ 5.000 – 7000 USD/tháng. Qua tính toán sơ bộ giá thuê nhà và giá mua nhà ở tại thành phố Hà Nội cho thấy, với giá thuê bình quân đối với 01 căn hộ có tiện nghi bình thường khoảng 800 USD/tháng thì trong 05 năm sống tại Việt Nam người nước ngoài phải trả khoảng gần 50.000 USD, nếu người nước ngoài mua 01 căn hộ với tiện nghi bình thường thì giá mua khoảng 70.000 USD/1 căn. Tuy giá mua cao hơn giá thuê khoảng 20.000 USD nhưng sau 05 năm sử dụng, nếu chỉ tính thu hồi được 70% giá trị nhà ở mua ban đầu (tức bằng khoảng 50.000 USD) thì việc cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam cũng sẽ giúp họ giảm bớt được một khoản chi phí lớn liên quan đến nhà ở khi vào Việt Nam làm việc, học tập.

3. Về thực trạng chính sách về nhà ở có liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam

Có thể nói, chính sách nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam là một chính sách quan trọng trong hệ thống pháp luật về nhà ở của Việt Nam. Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương mở cửa, chuyển từ nên kinh tế bao cấp, kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, nhiều quy định có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó chính sách về đất đai, nhà ở được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu cần phải điều chỉnh để mở rộng hơn quyền được tham gia thực hiện đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài. Có thể nêu những nội dung cơ bản như sau:

– Các quy định của pháp luật về đất đai: Từ năm 1993, trong Luật đất đai đã quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam làm việc hoặc đầu tư được thuê đất tại Việt Nam. Tiếp đó, năm 1994 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam, trong đó quy định các tổ chức nước ngoài được thuê đất tại Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức ngoại giao, tổ chức quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam khi được Nhà nước cho thuê đất thì có quyền xây dựng và sở hữu công trình trên đất thuê trong thời hạn thuê đất. Đối với các tổ chức, cá nhân vào Việt Nam đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài thì được quyền thế chấp giá trị quyền sử dụng đất gắn với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình trên đất thuê tại Ngân hàng Việt Nam; trường hợp thuê đất để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thì có quyền cho thuê lại đất.

Đến năm 2001, sau khi Quốc hội thông qua Luật đất đai sửa đổi, Nhà nước mới có chính sách cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam. Tại Nghị định số 71/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001, Chính phủ đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê thông qua các hình thức đầu tư như: thành lập doanh nghiệp liên doanh với các tổ chức kinh tế trong nước, hợp đồng hợp tác liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài…Quy định này đã góp phần đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là đối với một số đối tượng có khó khăn về nhà ở. Đến Luật đất đai năm 2003, Nhà nước đã mở rộng hơn quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, nhà đầu tư đã được quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng tài sản của mình trên đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bán tài sản gắn với đất thuê, được chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Như vậy, đến thời điểm năm 2003, Nhà nước Việt Nam đã có một loạt các quy định về đất đai có liên quan đến người nước ngoài, trong đó có những quy định ưu đãi hơn, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê. Có thể nói rằng, những quy định của Luật đất đai năm 2003 đã góp phần tạo ra một quỹ nhà ở không nhỏ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, đồng thời giúp tạo ra bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì chính sách đất đai của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu là thu hút triệt để vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là việc chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý của người nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, vấn đề đất đai là rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, do vậy họ mong muốn Nhà nước Việt Nam cần có những quy định thông thoáng hơn, cho phép các cá nhân nước ngoài vào Việt Nam làm việc hoặc học tập được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc được mua nhà ở tại Việt Nam .

– Các quy định về đầu tư kinh doanh nhà ở: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã khẳng định, cùng với việc chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ, thị trường tài chính, thị trường lao động thì việc phát triển thị trường bất động sản cũng là một trong những ưu tiên trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua việc phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường nhà ở sẽ từng bước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân có chỗ ở, đồng thời sẽ thúc đẩy được các thị trường khác phát triển như thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động, thị trường tài chính…Xuất phát từ các lý do trên, đến năm 2005 trong Luật đầu tư và Luật nhà ở và đặc biệt là Luật kinh doanh bất động sản năm 2006, Quốc hội đã tiếp tục quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư, được quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, được quyền thuê đất để xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; trong trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì họ được Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trong thời hạn thuê đất. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn được quyền tham gia cải tạo, sửa chữa nhà ở có sẵn, tham gia kinh doanh các dịch vụ bất động sản nhà ở như dịch vụ môi giới, đấu giá, định giá, lập sàn giao dịch, tư vấn, quảng cáo và dịch vụ quản lý bất động sản nhà ở.

Như vậy, kể từ năm 2007 người nước ngoài đã được quyền tham gia hầu hết các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản nhà ở tại Việt Nam, trừ một số hoạt động như mua nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, thuê nhà ở để cho thuê lại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc đầu tư xây dựng nhà ở đều do các pháp nhân thực hiện (các công ty nước ngoài hoặc công ty liên doanh), còn các cá nhân lại không được trực tiếp lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở nên khong có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

– Các quy định về quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài: Có thể nói, quy định về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân người nước ngoài là vấn đề được rất nhiều người nước ngoài quan tâm. Trên thực tế, vì nhiều lý do nên việc xác định người nước ngoài có quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không và được sở hữu ở mức độ nào cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Kể từ khi Luật nhà ở có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng7 năm 2006) thì vấn đề quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam cũng đã có những quy định mới, cởi mở hơn. Luật nhà ở đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở do mình đầu tư xây dựng theo pháp luật đầu tư để cho thuê, nghĩa là khi được Nhà nước Việt Nam cấp phép đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam thì chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với diện tích nhà ở đã xây dựng. Quy định này giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia kinh doanh nhà ở tại Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài và các tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thì Luật nhà ở lại chưa có quy định nên người nước ngoài vẫn chưa yên tâm khi vào Việt Nam làm việc.

– Các quy định về giao dịch nhà ở có liên quan đến người nước ngoài: Giao dịch nhà ở nói chung được quy định trong nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật dân sự, Luật nhà ở, Luật thương mại và Luật kinh doanh bất động sản.

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu được thực hiện nhiều loại giao dịch dân sự về nhà ở, bao gồm: mua bán, cho thuê, tặng cho, đổi, thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn, thừa kế, uỷ quyền quản lý. Tuy nhiên, hiện nay giao dịch về nhà ở không đơn thuần mang tính dân sự mà nó còn mang tính kinh tế vì nhà ở cũng là một loại hàng hoá nên việc thực hiện giao dịch trong chừng mực nào đó cũng phải tuân thủ pháp luật về thương mại. Vấn đề người nước ngoài quan tâm là họ có được quyền tham gia các giao dịch về nhà ở tại Việt Nam hay không và phạm vi họ được tham gia các giao dịch này đến đâu? Pháp luật Việt Nam trước đây cũng như hiện nay đều có những quy định về vấn đề này.

Trong Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở ngày 05 tháng 7 năm 1994, Chính phủ đã cho phép người nước ngoài định cư tại Việt Nam được mua 01 nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có một trường hợp nào được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định trên, bởi lẽ giữa quy định về mua nhà ở theo Nghị định số 61/CP với quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú đi lại của người nước ngoài vào thời điểm đó chưa có sự thống nhất. Chỉ sau khi Quốc hội thông qua Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản thì Chủ đầu tư nước ngoài mới được quyền bán, cho thuê nhà ở do mình đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống từ 03 tháng liên tục trở lên được thuê nhà ở tại Việt Nam. Việc cho thuê nhà ở phải thực hiện theo đúng quy định của Luật nhà ở và Bộ luật dân sự.

Đối với các giao dịch khác như: tặng cho, đổi, cho mượn, cho ở nhờ, thừa kế nhà ở, theo pháp luật hiện hành thì người nước ngoài chỉ được tham gia các giao dịch về tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam nếu họ là người gốc Việt Nam, còn về giao dịch cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thì pháp luật không có quy định cụ thể (cấm hoặc cho phép) nên xét về nguyên tắc, người nước ngoài đều có quyền được mượn, được ở nhờ nhà ở tại Việt Nam.

Như vậy, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định thông thoáng hơn trong lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức và cá nhân nước ngoài, tuy nhiên pháp luật vẫn chưa cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Dó đó chưa thu hút, khuyến khích được nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đặc biệt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Chính từ những lý do nêu trên mà tại kỳ họp lần thứ ba, Quốc hội Khoá XII, ngày 03 tháng 6 năm 2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

III. VỀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

Xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, Nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quan điểm sau đây:

1. Cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng về việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển đất nước trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hoá dân tộc; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt nam.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài tham gia đầu tư, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi có điều kiện sinh sống ổn định, yên tâm làm việc lâu dài tại Việt nam. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt nam có điều kiện tạo chỗ ở ổn định cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đó (không phân biệt người trong nước hay người nước ngoài), góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội;

3. Góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở và bất động sản phát triển trên nguyên tắc bảo đảm ổn định, minh bạch và lành mạnh, góp phần tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Chính sách này được ban hành phải có tác dụng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vừa làm tăng cung, vừa làm tăng cầu về bất động sản;

4. Chính sách về nhà ở cho người nước ngoài phải phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật Việt nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; đảm bảo tính công khai, minh bạch, không gây phiền hà, không tạo cơ chế xin – cho khi thực hiện chính sách;

5. Do đây là chính sách lớn, nhạy cảm vì vậy phải có quy định chặt chẽ và bước đi thích hợp, bảo đảm phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế- xã hội của nước ta trong từng thời kỳ. Trước mắt chỉ làm thí điểm trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện chính sách, bảo đảm thực hiện chính sách có hiệu quả.

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 19/2008/QH12 CỦA QUỐC HỘI

Trên cơ sở nghiên cứu chính sách về nhà ở có liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam và căn cứ các quan điểm xây dựng chính sách thí điểm nêu trên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH12 với những nội dung cơ bản sau đây:

1. Về phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội có 12 Điều quy định các nội dung: về đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quy định về trình tự, thủ tục mua bán và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà; việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về nhà ở và quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết.

2. Về đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại đối tượng người nước ngoài và tổ chức nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, nhưng do đây là lần đầu tiên thực hiện chính sách thí điểm, với mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm quản lý có hiệu quả việc mua nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời thông qua thực hiện thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm, do vậy Quốc hội mới chỉ cho phép 05 nhóm đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cụ thể là:

2.1. Cá nhân người nước ngoài vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuê giữ các chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó.

2.2. Cá nhân người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2.3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có bằng đại học hoặc tương đương trở lên, những người có kiến thức, kỹ năng đặt biệt mà Việt Nam có nhu cầu.

2.4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.

2.5. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở. Các doanh nghiệp này bao gồm: doanh nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong 5 loại đối tượng nêu trên, có một số trường hợp cần lưu ý như người được thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp (thuộc nhóm 1), người có đóng góp đặc biệt cho đất nước (thuộc nhóm 2) hoặc người có kỹ năng đặc biệt (thuộc nhóm 3). Những người được thuê giữa chức danh quản lý theo quy định này là những trường hợp không phải là nhà đầu tư nhưng họ có khả năng quản lý, điều hành doanh nghiệp thì được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh như Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, các Giám đốc, Phó giám đốc trực thuộc…Những người này phải có hợp đồng hoặc quyết định bổ nhiệm. Đối với người có đóng góp đặc biệt cho đất nước là những trường hợp có công đóng góp cho đất nước nhưng vì lý do nào đó họ chưa được nhận phần thưởng do Chủ tịch nước trao tặng và để tạo điều kiện về chỗ ở cho những người này thì Quốc hội cũng cho phép họ được mua nhà ở tại Việt Nam nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản. Đối với người có kỹ năng đặt biệt nhưng không có học hàm, học vị như các nghệ nhân, các chuyên gia, các huấn luyện viên thể dục, thể thao…nếu được cơ quan, tổ chức Việt Nam xác nhận thì cũng được mua nhà ở tại Việt Nam.

Như vậy, để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng nêu trên phải có các giấy tờ chứng minh, bao gồm hộ chiếu do nước ngoài cấp, kèm theo giấy tờ chứng minh thuộc một trong năm đối tượng này. Ví dụ: để chứng minh là nhà đầu tư nước ngoài thì ngoài hộ chiếu nước ngoài, người mua nhà còn phải xuất trình Giấy chứng nhận đầu tư có ghi tên mình hoặc nếu thuộc trường hợp kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước thì phải có giấy đăng ký kết hôn do Việt Nam hoặc nước ngoài cấp kèm theo hộ chiếu nước ngoài…Như vậy, để được mua nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này phải có hai loại giấy tờ chứng minh về đối tượng. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để hướng dẫn cụ thể các vấn đề nêu trên.

3. Về điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/QH12 thì năm loại đối tượng nêu trên chỉ được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Đối với cá nhân thì phải đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, được cơ quan công an có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ 01 năm trở lên và không thuộc diện được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. Việc xác định người nước ngoài có đủ điều kiện này phải thông qua các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú, trong đó Hộ chiếu là để chứng minh có thuộc diện miễn trừ ngoại giao hay không, nếu là Hộ chiếu ngoại giao thì không được mua nhà ở, Thẻ tạm trú hoặc Thẻ thường trú là để chứng minh thời gian được phép cư trú tại Việt Nam, theo đó Thẻ tạm trú sẽ được cấp cho người được phép cư trú trong thời hạn 01 năm, Thẻ thường trú cấp cho người được phép cư trú trong thời hạn 03 năm…

– Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương ứng với Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

– Nhà ở được mua và sở hữu phải là căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú đi lại. Quy định này là để hạn chế việc sử dụng đất của người nước ngoài, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia. Các căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại là căn hộ chung cư được xây dựng tại các khu đô thị mới, khu nhà ở mới theo dự án được duyệt để bán theo giá kinh doanh, không cho phép người nước ngoài mua căn hộ thuộc diện bán cho người thu nhập thấp (nhà ở xã hội) hoặc khu căn hộ tái định cư bán cho người di dân giải phóng mặt bằng.

Việc quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải được cư trú tại Việt Nam từ 01 năm trở lên xuất phát từ mục đích coi đây là một ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, đối tượng được mua nhà ở phải có thời gian cống hiến và đóng góp nhất định cho việc phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, quy định này còn để bảo đảm tính ổn định trong các giao dịch mua bán nhà ở và dựa trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như: tại Trung Quốc có quy định từ 01 năm trở lên, tại Singapore có quy định từ 02 năm trở lên…

Chính phủ sẽ quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong Nghị định hướng dẫn.

4. Về thủ tục mua bán và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

Để bảo đảm sự bình đẳng trong thủ tục mua nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Nghị quyết quy định thủ tục mua bán nhà ở của đối tượng này được áp dụng như đối với người trong nước, cụ thể là:

– Việc mua bán nhà ở phải thông qua hợp đồng mua bán được ký kết theo quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở thì hợp đồng mua bán nhà ở không phải công chứng, chứng thực; nếu mua nhà ở của cá nhân tại khu vực đô thị thì hợp đồng mua bán nhà ở phải có chứng nhận công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, nếu mua nhà ở tại khu vực nông thôn thì hợp đồng mua bán nhà ở phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã.

– Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nhà ở, các bên phải nộp các nghĩa vụ tài chính theo quy định cho Nhà nước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, bao gồm hợp đồng mua bán nhà ở, Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán và bản sao có công chứng các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện và đúng đối tượng mua nhà ở đến Sở Xây dựng để làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua.

Nếu mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở thì bên bán có trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nếu mua nhà ở của cá nhân thì các bên thoả thuận trách nhiệm nộp hồ sơ.

– Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà ở là 30 ngày, kể từ ngày Sở Xây dựng nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng mẫu Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở quy định tại Nghị định số 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để cấp cho người mua nhà ở.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định: nếu cá nhân đứng tên ký hợp đồng mua bán nhà ở thì cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân; nếu doanh nghiệp đứng tên ký hợp đồng mua bán nhà ở thì cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp đó (không cấp Giấy chứng nhận cho người đại diện của doanh nghiệp). Trường hợp người đại diện của doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp) thuộc diện được mua nhà ở tại Việt Nam thì họ đứng tên ký hợp đồng mua bán nhà ở theo tư cách cá nhân. Quy định này nhằm tránh việc lợi dụng doanh nghiệp đứng tên mua nhà ở nhưng lại đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân để được sở hữu nhiều nhà ở.

Do đây là chính sách thí điểm, cần phải có sự quản lý chặt chẽ không chỉ trong việc sở hữu, sử dụng nhà ở mà trong cả việc cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam nên Quốc hội quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Một vấn đề cần lưu ý là mặc dù chỉ quy định cho trường hợp người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng Nghị quyết 19/2008/QH12 cũng có quy định cho phép người nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định của Nghị quyết này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu được tặng cho, được thừa kế căn hộ tại Việt Nam.

5. Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định của Nghị quyết thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có một số hạn chế hơn về quyền sở hữu nhà ở so với công dân Việt Nam ở trong nước, cụ thể là:

– Đối với cá nhân nước ngoài: thì chỉ được sở hữu 01 căn hộ trong cùng một thời điểm cư trú tại Việt Nam (tức là trong cùng một thời gian cư trú tại Việt Nam thì chỉ được mua và sở hữu một căn hộ chung cư). Thời hạn sở hữu căn hộ tối đa là 50 năm và chủ sở hữu chỉ được sử dụng để ở, không được cho thuê, không được sử dụng căn hộ đã mua vào các mục đích khác. Trường hợp đang có sở hữu căn hộ mà chủ sở hữu được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở khác thì chỉ được lựa chọn sở hữu 01 căn hộ trong dự án phát triển nhà ở thương mại.

Chủ sở hữu chỉ được bán hoặc tặng cho căn hộ đã mua sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, trừ trường hợp vì lý do đặc biệt mà chủ sở hữu không thể tiếp tục cư trú tại Việt Nam như ốm đau phải xuất cảnh về nước trước thời hạn…thì được quyền bán hoặc tặng cho căn hộ trước thời hạn này. Khi hết hạn thời hạn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chủ sở hữu phải bán hoặc tặng cho căn hộ đã mua cho người khác, nếu không thực hiện quyền này thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và không được sử dụng nhà ở đã mua.

+ Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thì được quyền mua và sở hữu một hoặc một số căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại (có thể mua nhiều căn hộ) để cho người lao động (kể cả lao động của Việt Nam) đang làm việc trong doanh nghiệp đó ở. Thời hạn sở hữu căn hộ của doanh nghiệp tương ứng với thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp đó. Cũng như đối với cá nhân nước ngoài, các doanh nghiệp không được cho thuê hoặc sử dụng căn hộ đã mua vào mục đích khác. Khi hết hạn đầu tư hoặc doanh nghiệp bị phá sản, giải thể thì căn hộ đã mua sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật phá sản và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Việc quy định thời hạn như trên là căn cứ vào Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật đầu tư, các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng theo một thời hạn nhất định từ 50 năm – 70 năm. Như vậy, thời hạn sở hữu nhà ở của các doanh nghiệp có thể bằng hoặc dài hơn thời hạn sở hữu nhà ở của cá nhân, nếu doanh nghiệp được Nhà nước Việt Nam gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư thì thời hạn được sở hữu nhà ở cũng sẽ được gia hạn theo thời hạn này. Thời hạn được sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài không tính trừ lùi. Ví dụ: Một cá nhân nước ngoài A đã mua nhà ở được 10 năm, sau đó bán lại cho cá nhân nước ngoài B thì thời gian sở hữu của ông B sẽ được tính từ đầu là 50 năm mà không bị trừ đi 10 năm trước đây của cá nhân A, nếu cá nhân A bán lại cho người trong nước thì sẽ chuyển thành sở hữu lâu dài.

Về nghĩa vụ của chủ sở hữu: Các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam như chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, về phòng chống cháy nổ, các quy định về cư trú, đi lại của người nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giao dịch về nhà ở…

6. Về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại

– Về xử lý vi phạm: Theo quy định của Nghị quyết thì các tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu có hành vi vi phạm các quy định của Nghị quyết như mua nhà không đúng đối tượng, không đủ điều kiện hoặc giả mạo giấy tờ để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nếu sau khi được cấp Giấy chứng nhận mà bị phát hiện thì bị thu hồi Giấy chứng nhận và không được sử dụng nhà ở đã mua. Trường hợp người nước ngoài sử dụng hoặc cho người khác sử dụng nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình vào các hoạt động vi phạm luật pháp Việt Nam hoặc người nước ngoài bị trục xuất ra khỏi nước Việt Nam thì nhà ở đó được giải quyết theo quyết định của Toà án của Việt Nam và theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Về giải quyết tranh chấp: Các tranh chấp về nhà ở sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự và các quy định khác có liên quan của Việt Nam. Các khiếu nại, tố cáo về nhà ở sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

7. Về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12

Để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi trên thực tế, Quốc hội đã giao cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, Quốc hội còn quy định trách nhiệm của một số Bộ ngành ở trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Công an…và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực thi Nghị quyết, cụ thể là:

– Bộ Xây dựng có trách nhiệm:

+ Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở theo quy định tại Nghị quyết này;

+ Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

+ Tổng hợp tình hình mua bán căn hộ và cấp Giấy chứng nhận của các địa phương để báo cáo Chính phủ. Giúp Chính phủ sơ kết, đánh giá việc thực hiện chính sách và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.

– Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm quy định các khu vực cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú, đi lại và thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh biết.

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trách nhiệm:

+ Công bố các khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại trên địa bàn theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

+ Thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Nghị quyết này cho người mua nhà;

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Nghị quyết này và các quy định của pháp luật về nhà ở. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

8. Về hiệu lực của Nghị quyết

Nghị quyết số 19/2008/QH12 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và có thời hạn thực hiện trong 5 năm. Khi Nghị quyết này hết hiệu lực thì các chủ sở hữu nhà ở vẫn được sở hữu nhà ở theo thời hạn đã ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam (theo quy định của pháp luật tại thời điểm Nghị quyết hết hiệu lực).

Như vậy, Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để các tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nghị quyết này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và văn bản này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay./.

SOURCE: DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/PreLaws/Details.aspx?PreLawID=75

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading