admin@phapluatdansu.edu.vn

MÔ HÌNH TỔ CHỨC XÚC TIẾN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

THS. NGUYỄN VÂN ANH, Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu &  THS. LÊ VŨ TOÀN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo đánh giá của một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Việt Nam trong thời gian qua tuy đã thu được những thành tích đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tìm kiếm những mô hình xúc tiến CGCN phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động này, hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam là rất cần thiết. Bài viết giới thiệu mô hình tổ chức xúc tiến CGCN của Hàn Quốc và Trung Quốc, từ đó rút ra một số kinh nghiệm thiết thực cho Việt Nam.

Mô hình tổ chức xúc tiến CGCN của Hàn Quốc

Hoạt động xúc tiến CGCN đã trở nên mạnh mẽ ở Hàn Quốc với sự ra đời của Luật Xúc tiến CGCN vào năm 2000. Đạo luật này đã khuyến khích các trường đại học và các viện nghiên cứu công cộng thành lập các văn phòng CGCN (TLO) cùng với các tổ chức tương ứng của họ, đồng thời tập trung vào việc xúc tiến chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trước khi có đạo luật này, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào sự phát triển của tri thức công nghệ bằng cách tăng cường đầu tư cho hoạt động R&D.

Hàn Quốc có nhiều tổ chức dịch vụ xúc tiến CGCN như trung tâm đổi mới công nghệ vùng, công viên công nghệ, các doanh nghiệp nhân rộng kết quả nghiên cứu, các trung tâm CGCN thuộc các trường đại học… Tiêu biểu phải kể đến là Trung tâm CGCN Hàn Quốc (Korea Technology Transfer Center – KTTC) – một tổ chức xúc tiến CGCN hàng đầu tại Hàn Quốc. KTTC được thành lập vào tháng 3.2000 dưới sự hỗ trợ của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOCIE) và các bộ liên quan. KTTC có nhiệm vụ tích hợp thương mại và công nghệ với việc thúc đẩy cạnh tranh trong các lĩnh vực CGCN, đánh giá và đầu tư. Qua đó, tạo ra một trung tâm về dòng chảy thông tin công nghệ qua văn phòng CGCN (TLO)/khu vực mua sắm công nghệ (Regional Technology Trade Centers – RTTCs) và ngân hàng công nghệ quốc gia. Ngoài ra, KTTC cũng tập trung cho việc chuyển giao và thương mại hoá công nghệ bằng cách thúc đẩy cơ chế tài chính, bao gồm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, phát triển kinh doanh và nghiên cứu, tập trung vào các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp.

Chiến lược tiếp cận của KTTC là sử dụng đa dạng hoá phương pháp CGCN và thương mại hoá công nghệ từ chuyển giao quyền sử dụng, mua bán cổ phần công nghệ và trao đổi học thuật, cơ sở dữ liệu nghiên cứu. KTTC nâng cấp hạ tầng công nghệ và cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách thực hiện một cách có hệ thống và tích hợp chiến lược toàn cầu hoá công nghệ trên cơ sở sử dụng thế mạnh của công ty, trường đại học và chính phủ.

Các dịch vụ của KTTC bao gồm:

Dịch vụ xúc tiến CGCN: Để tìm kiếm đối tác, KTTC xem xét các công nghệ sẽ bán, ước tính giá trị thương mại, khả năng tồn tại của thị trường, các xu hướng công nghiệp và xác định tiềm năng, đối tác chuyển giao quyền sử dụng. KTTC hỗ trợ việc chào bán công nghệ bằng việc tạo ra sự khác biệt với hệ thống đại diện pháp lý giỏi trong đàm phán và thoả thuận nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Dịch vụ đánh giá công nghệ: KTTC nghiên cứu tính khả thi của công nghệ trong giai đoạn đầu thông qua phân tích về kinh tế, kỹ thuật, tiếp thị, thực hiện kinh doanh và đánh giá công nghệ.

Dịch vụ hợp nhất và mua lại: KTTC thúc đẩy việc hợp nhất và mua lại công nghệ có sức hấp dẫn trên cơ sở các công ty, phòng thí nghiệm mạo hiểm và dịch vụ toàn diện để tìm một đối tác tốt cho việc ký kết hợp đồng. Cung cấp các chiến lược cơ cấu lại doanh nghiệp (bao gồm việc mua, bán, tách, sáp nhập doanh nghiệp); cung cấp thông tin liên quan đến chuyển dịch cơ cấu sở hữu (bao gồm cả truyền thông, kiến thức khoa học, máy móc và nguyên liệu); cung cấp các dịch vụ như pháp luật, thuế, kế toán hoặc các dịch vụ trọn gói.

Ngoài ra, KTTC đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển và mở rộng mạng lưới. Đồng thời, thực hiện đồng hóa và tiếp thu công nghệ từ nước ngoài thông qua các kênh đào tạo tại nước ngoài, hợp tác quốc tế, hội thảo quốc tế; hợp tác với các công ty, trường đại học nước ngoài; chia sẻ dữ liệu thông tin công nghệ với đối tác nước ngoài.

Mô hình tổ chức xúc tiến CGCN tại Trung Quốc

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, để đáp ứng các yêu cầu của cải cách, mở cửa với thế giới bên ngoài và thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa xã hội, một loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Trung Quốc đã được ban hành, tạo môi trường pháp lý vững chắc cho xúc tiến CGCN. Trong đó, “The “Law on Promotion of the Transformation of Scientific and Technological Achievements of the People’s Republic of China” (1996) further stipulates in detail the relative rights and obligations of the Government, holders of scientific and technological results, enterprises, intermediary agencies engaged in paid proxy or brokerage business and financial investment organizations in connection with the commercialization of technology. Article 11 of the Law stipulates that, “According to the law, an enterprise shall have the right to effect, in the course of fair competition, transformation of scientific and technological results either independently or jointly with an enterprise, institution or other collaborator inside and outside the boundary.Luật Thúc đẩy chuyển hoá thành tựu KH&CN của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" được ban hành vào năm 1996. Luật này quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của Chính phủ, chủ sở hữu kết quả KH&CN, doanh nghiệp, cơ quan trung gian tham gia kinh doanh môi giới và các tổ chức đầu tư tài chính trong kết nối với việc thương mại hóa công nghệ. Song song với các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động CGCN, nhiều mô hình tổ chức xúc tiến CGCN đã được hình thành như: Hội chợ công nghệ, chợ công nghệ, sở giao dịch cổ phiếu công nghệ, vườn ươm công nghệ, công viên khoa học công nghệ của các trường đại học, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến sức sản xuất, trung tâm CGCN… Đây là những tổ chức tích hợp các nguồn lực KH&CN, cung cấp và tham gia vào việc phát triển và phổ biến các thành tựu KH&CN trong nước và thế giới; thúc đẩy và ươm tạo thành tựu KH&CN có tiềm năng thị trường; tận dụng lợi thế của các trường đại học, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp cùng tham gia vào CGCN quốc tế và đồng hóa tối ưu các công nghệ được giới thiệu, phát triển và đổi mới; cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về nguồn nhân lực và công nghệ.

Trong các mô hình xúc tiến CGCN xuất sắc của Trung Quốc, phải kể mô hình các sàn giao dịch công nghệ, mà tiêu biểu là mô hình Sàn giao dịch Thượng Hải (Shanghai Technology Transfer Exchange – STTE) – mô hình được đánh giá là thành công nhất ở châu Á trong những năm qua. STTE là sàn giao dịch công nghệ đầu tiên và lớn nhất của Trung Quốc, được Chính quyền thành phố Thượng Hải và Bộ KH&CN Trung Quốc thành lập năm 1993. Đây là đơn vị công ích, phi lợi nhuận của Nhà nước, hoạt động theo mô hình tương tự như một đơn vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam. STTE có chức năng cung cấp các giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ; cung cấp các dịch vụ tài chính cho phát triển công nghệ; tổ chức triển lãm và hội nghị về công nghệ…, tạo ra những nền tảng để chia sẻ các thông tin về công nghệ.

Mô hình tổ chức kinh doanh của STTE bao gồm: Phòng khảo sát CGCN (chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới CGCN cục bộ tại Thượng Hải); Phòng CGCN dân sự (chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới CGCN thị trường nội địa của Trung Quốc); Phòng CGCN quốc tế (chịu trách nhiệm quản lý về mạng lưới CGCN quốc tế); Phòng dịch vụ và thương mại công nghệ (chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu về CGCN). Các hoạt động tư vấn và đánh giá của STTE thực hiện ở các góc độ: Nghiên cứu thị trường; liên kết các đối tác; dịch vụ đầu tư tài chính; theo đuổi các mục đích đầu tư. Tất cả các hoạt động trên được thực hiện bởi một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ cao, các nhà môi giới công nghệ và chuyên gia.

Tính đến cuối năm 2008, STTE đã thực hiện gần 30.000 dự án CGCN; tổ chức hơn 900 hoạt động và sự kiện tiếp thị công nghệ. Giá trị các hợp đồng CGCN liên tục tăng trưởng (từ 2,03 tỷ nhân dân tệ năm 1993 lên 43,3 tỷ nhân dân tệ năm 2007) và tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Giá trị đóng góp của STTE cho GDP tại Thượng Hải là từ 2,2 đến 3,6%. Biểu đồ dưới đây cho thấy các lĩnh vực công nghệ được giao dịch tại sàn:

clip_image002

Biểu đồ: Tỷ lệ % các lĩnh vực CGCN tại STTE

Một số kết quả nổi bật mà STTE đã cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước thời gian qua phải kể đến là: Hệ thống định vị tàu thuyền tự động cho KTTC; công nghệ viễn thông cho Công ty GISsoft của Hàn Quốc; hệ thống chẩn đoán trong ống nghiệm cho TAKES của Phần Lan; công nghệ bể chứa xoay tròn; công nghệ bạc nano…

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua việc điểm lại các hoạt động của các mô hình tổ chức xúc tiến CGCN tại Hàn Quốc và Trung Quốc, có thể rút ra một số bài học sau cho Việt Nam:

Một là, để phát triển thị trường công nghệ, các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm đến loại hình tổ chức xúc tiến CGCN, mà Hàn Quốc và Trung Quốc là những điển hình tiêu biểu. Sự quan tâm ấy được thể chế hoá bằng việc ban hành hệ thống các luật trực tiếp và gián tiếp liên quan.

Tại Trung Quốc, bên cạnh các Luật: Nhãn hiệu thương mại, Sáng chế, Quyền tác giả, Chống cạnh tranh không lành mạnh, quy tắc bảo vệ phần mềm, tiến bộ KH&CN, Công ty, Hợp đồng, thì Luật có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển các tổ chức xúc tiến CGCN là Luật Thúc đẩy chuyển hoá thành tựu KH&CN của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được ban hành vào năm 1996. Với Hàn Quốc, hoạt động xúc tiến CGCN cũng chỉ trở nên mạnh mẽ khi Luật Xúc tiến CGCN được ban hành, bên cạnh một số Luật khác về sở hữu trí tuệ và KH&CN được ban hành trước đó (Luật Khuyến khích KH&CN; Luật Khuyến khích phát triển công nghệ; Luật Khuyến khích phát minh sáng chế; Luật Cơ bản về thúc đẩy thông tin; Luật Khuyến khích phát triển phần mềm…). Thông qua Luật Xúc tiến CGCN (Hàn Quốc) và Luật Thúc đẩy chuyển hóa thành tựu KH&CN (Trung Quốc) cùng các luật khác, Chính phủ các nước này đã đầu tư xây dựng các chương trình hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của các tổ chức xúc tiến CGCN, bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác cho loại hình tổ chức này phát triển. Có thể nói rằng, đây là những đạo luật liên quan trực tiếp đến phát triển các tổ chức xúc tiến CGCN đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy hoạt động CGCN tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Do vậy, nên chăng trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần ban hành một đạo luật tương tự để đẩy mạnh hoạt động chuyển hoá các thành tựu KH&CN vào đời sống.

Các tổ chức xúc tiến CGCN tại Hàn Quốc và Trung Quốc đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung hoạt động, tạo thành một dịch vụ hoàn chỉnh trong một tổ chức, từ tìm kiếm công nghệ để đầu tư, hoàn thiện, đến marketing để bán sản phẩm… bên cạnh hệ thống thị trường chứng khoán phát triển hỗ trợ tích cực cho các bên mua, bán tham gia giao dịch. Để triển khai hoạt động, các tổ chức này đã thiết lập những mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức khác nhau (Chính phủ – viện/trường – doanh nghiệp – tổ chức dịch vụ CGCN – tổ chức tài chính) để hỗ trợ triển khai các hoạt động; xây dựng mạng lưới liên kết trong và ngoài nước giữa các tổ chức để đẩy mạnh hoạt động CGCN qua mua, bán công nghệ, qua hoạt động đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên có năng lực và trình độ cao cũng rất quan trọng để các hoạt động mang lại hiệu quả cho khách hàng.

Hai là, tại Việt Nam, khái niệm xúc tiến CGCN được đề cập trong Luật CGCN nhưng chưa rõ ràng về các đối tượng và mô hình hoạt động cụ thể cùng những cơ chế, chính sách cho việc phát triển các loại hình tổ chức xúc tiến CGCN. Theo quan điểm của các tác giả, ngoài một số loại hình được đề cập rõ trong Luật CGCN như “cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ”, tổ chức xúc tiến CGCN còn bao gồm một số loại hình khác như: Khuyến mại, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, thông tin KH&CN, quá trình tổ chức CGCN của các trung tâm CGCN…, vì các hoạt động này đều tham gia vào “hoạt động thúc đẩy, tạo và tìm kiếm cơ hội CGCN” (theo khái niệm về xúc tiến CGCN của Luật CGCN).

Các trung tâm CGCN ở Việt Nam về cơ bản được hình thành từ các viện nghiên cứu/trường đại học hay các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… tại các địa phương. Thời gian qua, hoạt động của các tổ chức này đã có những đóng góp nhất định đối với việc đưa các tiến bộ KH&CN vào đời sống, tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu – triển khai của viện nghiên cứu/trường đại học với hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp…, đóng góp tích cực vào việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ. Tuy nhiên, so với mô hình của Hàn Quốc, hay Trung Quốc, hoạt động của các trung tâm CGCN trong nước còn khá đơn điệu, nặng tính bao cấp. Ngoài việc thực hiện chức năng CGCN, các trung tâm CGCN của nước ta chưa phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ CGCN khác như đánh giá, định giá và các hoạt động xúc tiến khác (quảng cáo, hội chợ…) nên tác động thúc đẩy hoạt động CGCN còn hạn chế.

Hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ ở Việt Nam mặc dù đã đạt được một số thành công đáng kể nhưng vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tiếp thị, năng lực còn hạn chế. Các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến như tư vấn, định giá, môi giới còn yếu. Mối liên kết hợp tác với các tổ chức xúc tiến CGCN trong và ngoài nước chưa chặt chẽ, chưa phát triển mở rộng, do vậy tầm ảnh hưởng của các sàn giao dịch công nghệ còn hạn chế. Chúng ta cũng chưa có sự hỗ trợ khách hàng về nghiên cứu thị trường và phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động đầu tư. Thời gian tới, để đẩy mạnh các hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ tại Việt Nam, chúng ta cần học tập, triển khai những kinh nghiệm hoạt động của các mô hình quốc tế như đã nêu trên, đặc biệt là các phương thức hoạt động của STTE.

Tài liệu tham khảo

1. Luật CGCN, số 80/2006/QH11 ngày 29.11.2006.

2. Luật Thương mại, số 36/2005/QH11 ngày 14.6.2005.

3. Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5.9.2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.

4. Nguyễn Vân Anh (2010), Báo cáo chuyên đề “Tổ chức xúc tiến CGCN và kinh nghiệm quốc tế phát triển tổ chức xúc tiến CGCN”, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 11.2010.

5. Nguyễn Vân Anh (2010), Báo cáo chuyên đề “Thực trạng tổ chức xúc tiến CGCN tại Việt Nam”, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 11.2010.

6. United Nations – Asian and Pacific Center for trangsfer of Technology (2006), Promotion of the Technology Transfer Network for Small and Medium – Scale Enterprises in the Asia Pacific Region.

7. Dr. Young Roak Kim, Technology Commercialization in Republic of Korea, Korea Technology Trasfer Center (KTTC).

8. Introduction of STTE (2008), Shanghai Technology Transfer & Exchange, 2008.

9. Lu Lui (2009), Technology Exchange and Intellectual Property Business in Shanghai, International Patent Licensing Seminar 2009, 19.1.2009.

10. Il Yoong Song, Choon Yup Park, Joong Yeon Lim, Deokkyo Oh, Youngbok Shon (2006), “Technology Transfer in Korea”, Korea Technology Transfer Center, 2006.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SỐ THÁNG 2.2011 (621)

<

p align=”center”>BÀI ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading