admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG HAY TƯ?

HUỲNH THẾ DU

Điểm khác nhau giữa thu nhập 30 triệu và thu nhập 3 triệu là gì? Nói chung, người có thu nhập 30 triệu biết chắc rằng giá trị gia tăng mà họ làm ra sẽ hơn 30 triệu đồng, còn khó có thể biết giá trị gia tăng của người có thu nhập 3 triệu cao hơn bao nhiêu so với thu nhập của họ.

Trong thời bao cấp, sẽ bị xem là có vấn đề nếu đặt câu hỏi nên chọn khu vực công hay khu vực tư để làm việc vì chỉ có kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể được công nhận chính thức. Hơn thế, mọi quyền lợi tiêu chuẩn đều gắn với một chỗ làm trong khu vực công. Làm việc trong khu vực công được đồng nhất với sự ổn định và có tương lai. Tư tưởng này hiện vẫn còn tồn tại ở một số người, nhất là những nơi mà các quan hệ thị trường chưa thực sự đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, tư tưởng trên đã thay đổi ở rất nhiều. Hơn thế, hiện đang có không ít người (kể cả những người ở vị trí khá cao) rời Nhà nước để làm việc cho khu vực kinh doanh hay nhiều người sau khi học xong ở nước ngoài không muốn trở về nước làm việc.

Tại sao vậy?

Nhiều người lên tiếng chỉ trích những người bỏ công làm cho tư chỉ vì tiền, không vì cái chung và không có tinh thần yêu nước. Do vậy, giải pháp là cần phải tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước và yêu nghề để con người bớt vị kỷ hơn. Ở đây có hai điều nên bàn về cách tiếp cận này.

Thứ nhất, khoa học hành vi chỉ ra rằng, vị kỷ thuộc về vấn đề bản chất của con người. Ai không vì lợi ích cá nhân, không ích kỷ thì người đó sẽ là thánh. Trên thực tế, số người được coi là thánh rất ít. Hầu hết mọi người khi đi làm chỉ mong muốn hai điều, đó là thu nhập cao và cơ hội thăng tiến. Nói rộng ra một chút là hầu hết mọi người tồn tại trên cõi đời này đều mong muốn có một cuộc sống sung túc và được xã hội công nhận hay tôn vinh. Việc lựa chọn hay quyết định làm việc ở đâu đó phụ thuộc vào công thức:

Việc làm = Thu nhập + Cơ hội thăng tiến

Điểm khác nhau giữa thu nhập 30 triệu và thu nhập 3 triệu là gì? Nói chung, người có thu nhập 30 triệu biết chắc rằng giá trị gia tăng mà họ làm ra sẽ hơn 30 triệu đồng, còn khó có thể biết giá trị gia tăng của người có thu nhập 3 triệu cao hơn bao nhiêu so với thu nhập của họ.

Thứ hai, về vấn đề vì cái chung hay khái niệm yêu nước hay đóng góp cho xã hội. Không nhất thiết phải làm việc trong nước hay làm ở khu vực Nhà nước thì yêu nước hơn.
Trên thực tế vai trò của khu vực kinh doanh là tạo ra phần lớn của cải cho xã hội, trong khi vai trò của Nhà nước là sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường và tạo ra một sự phân phối của cải trong xã hội một cách công bằng hơn cũng như có những chính sách để nguồn lực của xã hội được sử dụng một cách hiệu quả hơn trong một số trường hợp.
Một người có đóng góp tích cực hơn cho xã hội khi anh ta tạo ra một giá trị gia tăng hơn 30 triệu đồng hay khi anh ta tạo ra giá trị gia tăng hơn 3 triệu đồng?
Một người được đào tạo bài bản khi làm việc ở bên ngoài tạo ra giá trị gia tăng cho nhân loại hơn 200 nghìn USD một năm và chuyển về nước 20 nghìn USD hay anh ta quay về nước không phát huy được sở trường của mình mà chỉ tạo ra một giá trị gia tăng khiêm tốn cho xã hội ở mức 10 nghìn USD một năm và nhận mức lương 3 nghìn USD?
Hầu hết mọi người đều chọn cách có đóng góp lớn hơn cho xã hội vì khi đó họ sẽ có một cuộc sống sung túc hơn hơn và được xã hội tôn vinh.

Khi nào thì người ta chọn công?

Thu nhập chỉ là một cấu phần của công thức chọn việc làm của mỗi người. Khi quyết định chọn một việc nào đó đều xem xét đến tương lai của công việc mà hiểu một cách đơn giản là cơ hội thăng tiến.
Trong điều kiện bình thường, ai cũng biết rằng thu nhập “danh chính ngôn thuận” khi làm ở khu vực công thường thấp hơn ở khu vực tư một cách đáng kể. Một người quyết định làm ở khu vực công thường là do những lý do (1) có cơ hội thăng tiến tốt để bù đắp cho phần thiệt thòi của thu nhập thấp; (2) có cơ hội kiếm thêm thu nhập qua việc dựa vào vị trí đang làm việc để làm thêm hoặc áp lực không lớn, thôi kệ cứ có cái chân trong Nhà nước, còn lại thu nhập chính là “chạy ngoài”; và (3) không thể xin việc ở khu vực tư nhưng lại có “điều kiện” để xin vào khu vực Nhà nước.
Nhìn vào cách thức thiết kế và vận hành chính sách ở mỗi quốc gia chúng ta có thể thấy được những đối tượng nào sẽ làm ở khu vực Nhà nước, những đối tượng nào sẽ làm ở khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là để một đất nước phát triển cần có một khu vực kinh doanh năng động, một Nhà nước mạnh và một xã hội công dân cởi mở. Trên nguyên tắc nước chảy vào chỗ trũng, nên trong hầu hết các trường hợp những người có khả năng thường tập trung nhiều ở khu vực kinh doanh (trừ một số trường hợp ngoại lệ như Singapore chẳng hạn). Do vậy, muốn Nhà nước mạnh thì cần phải có nhiều người có khả năng chấp nhận làm việc ở khu vực Nhà nước.
Như vậy, vấn đề đi hay ở của một người không thể sử dụng công cụ tuyên truyền, giáo dục vì hình như chưa có nước nào thành công với công cụ này mà cần phải có những công cụ tác động trực tiếp đến lợi ích và chi phí của việc lựa chọn. Một môi trường làm việc tốt với một cuộc sống được đảm bảo là ưu tiên số một để thu hút nguồn nhân lực chứ không phải những khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng hay chính sách bề nổi mà nhiều người ví rằng trên thì trải thảm nhưng dưới thì đầy gai.

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=4040&CategoryID=42

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading